Kinh tế tự cung, tự cấp ở Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng khá lớn. Ảnh: Đức Thanh.

Kinh tế tự cung, tự cấp ở Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng khá lớn. Ảnh: Đức Thanh.

“Kinh tế ngầm” được thống kê: Bức tranh kinh tế chân thực hơn

Từ năm 2020, việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ được thực hiện. Khi đó, bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ chân thực và toàn diện hơn.

Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế “chưa được quan sát”, vốn được dư luận gọi là khu vực “kinh tế ngầm”.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2020, việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức thực hiện.

Khu vực này, theo Đề án, bao gồm 5 nhóm hoạt động kinh tế chưa được quan sát, bao gồm: kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê. Như vậy, “kinh tế ngầm” chỉ là một phần của khu vực kinh tế “chưa được quan sát”.

“Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát là nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện phạm vi, quy mô nền kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.

Thông tin cho biết, sau khi thực hiện việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, hàng năm, các số liệu này sẽ được cập nhật vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.

Số liệu ước tính, số liệu sơ bộ, số liệu chính thức... sẽ lần lượt được công bố vào quý I, II, 6 tháng, quý III, 9 tháng và cả năm theo Luật Thống kê.

Như vậy, kể từ năm 2020, bức tranh kinh tế của Việt Nam sẽ chân thực và toàn diện hơn.

Việc khu vực kinh tế ngầm ở Việt Nam có quy mô quá lớn, mà theo một nghiên cứu của Đại học Fulbright, có thể lên tới 25 - 30% GDP, đã khiến lâu nay, rất nhiều quan điểm cho rằng, cần thiết phải thống kê khu vực này. Bởi chỉ có như vậy, mới có thể nhìn nhận, đánh giá một cách chính xác và đầy đủ hơn về quy mô của nền kinh tế.

Phải tính đúng, tính đủ và không được tính trùng

Tuy nhiên, việc trên được cho là không dễ, bởi muốn thống kê được khu vực kinh tế này, cần phải có các hệ thống quản lý, quy định xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương. Hơn nữa, thống kê được thì quan trọng là sau đó, phải quản lý được, đánh thuế được…

Chính ông Nguyễn Bích Lâm cũng đã nhiều lần thừa nhận rằng, việc thống kê khu vực kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp là rất khó khăn, ngay cả với các nước phát triển.

Một ví dụ đã được ông Lâm dẫn chứng là việc doanh nghiệp thường có 2 loại báo cáo, gồm: báo cáo thuế và báo cáo nội bộ. Sự chênh lệch số liệu giữa 2 báo cáo này có thể coi là kinh tế ngầm và loại này thì không thể thống kê được, trừ phi doanh nghiệp bị điều tra.

Tuy nhiên, hiện Đề án đã chính thức được Chính phủ phê duyệt, với các giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của 3 khu vực kinh tế (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ); theo loại hình sở hữu (kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tiêu thức khác. Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.

Nhiệm vụ được đặt ra là tính đúng, tính đủ và không được tính trùng. Sẽ là rất khó khăn, nhưng một khi đã có đề án cụ thể, thì việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam sẽ dễ dàng hơn.

Liên quan vấn đề này, tại cuộc gặp ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cách đây 2 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị IMF hợp tác, hỗ trợ việt Nam trong việc rà soát, đánh giá, cập nhật thông tin, thống kê về khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị, với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, IMF giúp Việt Nam trong việc tính toán khu vực kinh tế này “một cách khách quan, chặt chẽ, trung thực và khoa học”.

Trong khi đó, ông Jonathan Dunn tin rằng, khi cập nhật lại quyền số tính GDP thì GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể.

Tin bài liên quan