Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: taichinhdientu

Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: taichinhdientu

“Kinh tế năm 2010 cần đảm bảo ổn định tiền tệ”

Phát triển và ổn định kinh tế sau khủng hoảng được dự báo là nội dung thu hút sự chú ý và bàn thảo sôi nổi tại Quốc hội trong kỳ họp thứ sáu - khai mạc sáng 20/10, bởi sát giờ họp, vẫn còn sự vênh nhau trong quan điểm của Chính phủ và Quốc hội.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết, cơ quan này khuyến nghị cần đề cập vấn đề lạm phát trong mục tiêu tổng quát của nền kinh tế trong năm 2010, thay vì chỉ nhắc đến phục hồi kinh tế, và tạo tiền đề để tăng trưởng nhanh.

Trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho năm tới, Chính phủ đề xuất đặt mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%, nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, nên cố gắng duy trì dưới 8%. Lý do, là trong năm 2009, CPI có khả năng cận kề mức 7% và năm 2010 sẽ cao hơn mức này. Ủy ban cũng cho rằng, xuất khẩu năm tới cần tăng 8-9% so với năm 2009, thay vì mức 6,5% như Chính phủ đề xuất.

 

Trong báo cáo thẩm tra tại kỳ họp mới đây của Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế chỉ đồng tình với đề xuất của Chính phủ về tốc độ tăng GDP 2010, còn CPI và xuất khẩu, bội chi ngân sách đều không thống nhất. Ông có thể giải thích về điều này?

 

Quan điểm của Ủy ban Kinh tế về các mục tiêu kinh tế cho năm 2010 là nên tiếp tục chính sách kích thích kinh tế và duy trì cho tới khi lấy lại đà tăng trưởng ổn định. Nhưng cần quan tâm hơn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, giảm dần sự mất cân đối trên thị trường tiền tệ, tài chính, bội chi ngân sách, và ổn định tỷ giá hối đoái. Lạm phát là một vấn đề cần được đưa vào mục tiêu tổng quát cho năm 2010.

 

Việc chấp nhận CPI ở mức cao hơn, chẳng hạn 8% thay vì 7%, thường được coi là chấp nhận lạm phát để có tăng trưởng cao hơn. Ông nghĩ sao?

 

Ủy ban Kinh tế cho rằng, càng dự báo sát với thực tiễn càng tốt cho việc hoạch định chính sách. Nếu dự báo CPI năm tới ở mức thấp và chịu ít sức ép, có thể dẫn tới việc chính sách tiền tệ và tài khóa được nới lỏng. Còn nếu nhận thấy chỉ số giá đang chịu sức ép, thì chính sách sẽ được hoạch định theo hướng thận trọng hơn, thậm chí thắt chặt.

 

Việc dự báo CPI một cách chính xác cũng nhằm giúp doanh nghiệp trong các ngành nghề lường trước được tình hình và lên kế hoạch kinh doanh một cách hợp lý, chẳng hạn lãi suất tiền gửi ngân hàng có quan hệ rất chặt với mức lạm phát. Dự báo mức lạm phát sẽ giúp doanh nghiệp có nhận định về triển vọng diễn biến lãi suất. Ủy ban Kinh tế đưa ra những đề xuất này dựa trên tham khảo rất nhiều nguồn tư liệu của các viện nghiên cứu trên thế giới, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

 

Ông có thể giải thích những cơ sở để Ủy ban Kinh tế đưa ra các đề xuất về CPI và xuất khẩu cho năm 2010?

 

Mục tiêu tổng quát của nền kinh tế trong năm 2010 do Chính phủ đề xuất, là tập trung mọi nỗ lực để phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 cao hơn năm 2009, tạo tiền đề để tăng trưởng nhanh và bền vững trong các năm tiếp theo, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả… phấn đấu ở mức cao nhất hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

Ủy ban đưa ra đề xuất này dựa trên nghiên cứu về giá cả thế giới trong những năm gần đây. Trong các năm 2000-2007, mặt bằng giá thế giới tương đối ổn định và chỉ bắt đầu tăng mạnh từ năm 2007, đạt đỉnh điểm trong năm 2008, tăng tới 270% so với mặt bằng 2000. Nhưng từ giữa năm 2008, khi suy thoái kinh tế diễn ra, giá cả lại giảm sâu và xuống đáy vào cuối 2008, đầu 2009. Từ quý II năm nay, giá cả phục hồi và đến nay đã tăng khoảng 40% so với mức đáy.

 

Nhiều tổ chức quốc tế cũng như giới nghiên cứu nhận định, mức tăng giá trên thị trường thế giới sẽ ổn định và gia tăng chút ít trong năm 2010. Theo tính toán sơ bộ của Ủy ban Kinh tế, mặt bằng giá thế giới sẽ không có đột biến và không gây sức ép về lạm phát do chi phí đẩy, nhưng sẽ tăng khoảng 6-8%.

 

Ở trong nước, giá cả một số mặt hàng chủ chốt được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, ví dụ than, điện, nước. Giá dầu mỏ trên thế giới cũng phục hồi đáng kể, có tác động đến chi phí sản xuất trong nước. Ngoài ra, các yếu tố khác như điều chỉnh lương trong nước, tác động đến mặt bằng giá cả.

 

Do vậy, Ủy ban thấy rằng, CPI năm 2010 sẽ chịu sức ép lớn hơn năm 2009 và nếu kiểm soát được CPI cao hơn 1-1,5% so với năm 2009 đã là một thành công lớn.

 

Xuất khẩu năm 2009 sụt giảm 10% về giá trị nhưng chủ yếu là do giá giảm, còn khối lượng vẫn tăng. Nhiều mặt hàng có khối lượng xuất khẩu nhích lên, như gạo, cà phê, hạt điều. Dự báo trong năm 2010, mặc dù xuất khẩu dầu thô giảm khoảng 30% do phải dành cho nhu cầu nội địa nhưng tính chung, khối lượng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng khoảng 10%, trong khi giá cả sẽ ổn định và thuận lợi hơn năm 2009 nhờ xu hướng phục hồi kinh tế trên thế giới. Vì thế, xuất khẩu, theo chúng tôi có khả năng đạt 8-10%.

 

Những đề xuất của Ủy ban Kinh tế cho thấy, có sự lo ngại về những bất ổn vĩ mô sau thời gian khủng hoảng và thực hiện kích cầu?

 

Một số cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa vững chắc, và còn nhiều yếu tố tiềm ẩn bất ổn. Thứ nhất là nợ Chính phủ đã tăng lên mức cao, nếu tiếp tục, sẽ tiến đến mức 50% GDP, là giới hạn an toàn. Nếu hệ số tín nhiệm quốc gia đạt mức thấp, sẽ làm giảm sức hút của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài và làm tăng chi phí đi vay.

 

Thứ hai là cán cân thanh toán tiềm ẩn bất ổn do gặp khó khăn hơn trong cân đối ngoại tệ, thâm hụt cán cân thương mại và qua đó sẽ gây sức ép lên tỷ giá.

 

Thứ ba là chúng ta gặp thách thức lớn hơn trong việc duy trì sự ổn định thị trường tiền tệ. Cầu về vốn từ các doanh nghiệp hiện nay tăng cao gây sức ép làm tăng mặt bằng lãi suất. Như vậy sẽ làm mất hiệu quả của việc thực hiện kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất.

 

Dư nợ cho vay của nền kinh tế hiện nay vào khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Nếu lãi suất tăng thêm 1%, thì những người đi vay, chủ yếu là cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải trả thêm 17.000 tỷ đồng mỗi năm, bằng đúng với số tiền Chính phủ dự định chi ra để hỗ trợ 4% lãi suất trong năm 2009. Thực tế, theo thống kê, số tiền được dùng để bù lãi suất năm nay còn thấp hơn, vào khoảng 10.000 tỷ đồng, chứ không phải 17.000 tỷ đồng như dự kiến.

 

Việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp và ổn định cho doanh nghiệp là giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

 

Theo ông, việc điều hành kinh tế 2010 cần có thay đổi những gì so với năm 2009?

 

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao đầu tư công, bởi FDI hiện vẫn ở mức thấp và đầu tư tư nhân còn hạn chế. Nhưng mức độ nên giảm so với năm 2009.

 

Thứ hai, chính sách tiền tệ cần được nới lỏng một cách phù hợp, theo hướng giảm bớt so với năm 2009, nhưng vẫn duy trì được mặt bằng lãi suất hợp lý. Ủy ban Kinh tế cho rằng, nên bỏ hỗ trợ lãi suất đối với vốn lưu động. Có thể tiếp tục duy trì hỗ trợ vốn trung và dài hạn để doanh nghiệp đầu tư cho các dự án và đổi mới công nghệ, cơ cấu sản xuất, hỗ trợ cho nông dân, nông thôn.

 

Cầu tín dụng đang tăng rất cao và tới đây điều quan trọng là làm sao có đủ vốn cho doanh nghiệp vay. Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tăng khoảng 28% nhưng riêng dư nợ bằng tiền đồng đã tăng 35% và có khả năng đến cuối năm sẽ lên mức gần 40%. Nếu năm 2010 tiếp tục tăng dư nơ tín dụng bằng tiền đồng như vậy sẽ khó tránh khỏi gây mất ổn định về tiền tệ và gây sức ép lạm phát.

 

Hiện một số ngân hàng đã phải hạn chế cho vay và doanh nghiệp phải chấp nhận lãi suất cao để vay được vốn. Một chỉ báo cho thấy tình trạng doanh nghiệp rất cần vốn là hiện đã có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất 11-12%, khác hẳn so với các năm trước. Điều này cũng cho thấy phần lớn các doanh nghiệp hiên nay và trong năm tới cần vốn vay hơn là cần hỗ trợ lãi suất.