Kinh tế 2015 phục hồi rõ nét

Kinh tế 2015 phục hồi rõ nét

Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt 6,88%, cao hơn mục tiêu đề ra và cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP của 4 năm đầu Kế hoạch 2011 - 2015. Tuy nhiên, thách thức đối với nền kinh tế trong năm 2016 vẫn còn rất lớn.

Không gì đúng hơn bằng cụm từ “kinh tế phục hồi rõ nét” khi nhận định về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015. Không chỉ ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khi công bố số liệu thống kê năm 2015 vào cuối tuần qua, mà các chuyên gia kinh tế khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cũng đều có chung đánh giá như vậy.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP năm 2015 ước tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng trưởng của các năm 2011 - 2014 (tương ứng là 6,24%; 5,25%; 5,42% và 5,98%). Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,64%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%.

“Nhìn vào khu vực công nghiệp và xây dựng, có thể thấy rõ nét sự hồi phục của nền kinh tế. 9,64% là mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng 6,42% của năm trước”, ông Lâm nhấn mạnh.

Cuối năm ngoái, khi Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 ở mức 6,2%, nhiều quan điểm cho rằng, nền kinh tế sẽ đạt mục tiêu đề ra. Sau đó, là các dự báo sẽ vượt và đạt con số 6,5%. Chính phủ cũng có chung nhận định này, song báo cáo Quốc hội vào tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ khiêm tốn nhắc đến khả năng đạt mức tăng trưởng cao hơn 6,5% - mức tăng trưởng của 9 tháng đầu năm. Kết quả cuối cùng, dù vẫn là ước tính của Tổng cục Thống kê, đạt 6,88%.

Năm 2015 coi như đã kết thúc và nền kinh tế đã đạt và vượt nhiều mục tiêu đề ra. Câu chuyện hiện thời là năm tới sẽ thế nào, khi mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là tăng trưởng GDP ở mức 6,7%, còn lạm phát dưới 5%?

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), dựa trên các tính toán và so sánh về số liệu thống kê nhiều năm gần đây, có thể thấy, năng lực của nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng cao hơn trong năm sau. “Năm 2015, tăng trưởng của khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chỉ ở mức 2,41%, trong khi năm ngoái tăng 3,44%. Nếu năm 2016, khu vực này vượt khó, đạt mức tăng trưởng cao hơn thì sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng GDP”, ông Tuyến nói và vạch ra một loạt yếu tố tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, như công nghiệp chế biến - chế tạo tuy đã hồi phục và tăng trưởng khả quan, nhưng vẫn thấp hơn so với các năm trước. Bởi vậy, khi khu vực này hồi phục mạnh hơn, tăng trưởng GDP cũng sẽ cao hơn.

Mặc dù vậy, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư đã nhấn mạnh nhiều điểm đáng lưu tâm để khẳng định rằng, vẫn cần thận trọng trong điều hành kinh tế của năm tới.

“Tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm dần, năm nay chỉ đạt 8,1%, tức là chỉ ở mức 1 con số sau nhiều năm tăng trưởng hai con số, thấp hơn mục tiêu đề ra. Đây là điểm đáng lưu ý, bởi năm sau xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói và bày tỏ sự lo ngại rằng, khi xuất khẩu gặp khó mà nhu cầu nhập khẩu lớn, thì nhập siêu sẽ bị đẩy lên cao.

Năm nay, ước nhập siêu ở mức 3,2 tỷ USD, sau 3 năm liên tiếp xuất siêu. Năm tới, nhập siêu sẽ cao hơn, dự báo trong quý I/2016 là 2 tỷ USD.

Vị chuyên gia này cũng đã nhắc tới “gia tốc” giữa tốc độ tăng trưởng của từng quý trong năm, trong đó quý I là 6,12%, quý II là 6,47%, quý III là 6,81% và quý IV/2015 chỉ khoảng 7%, để nhấn mạnh rằng, đà tăng trưởng của quý cuối cùng trong năm đã không còn mạnh như các quý trước.

“Đây là điều cần phải cảnh báo trong năm 2016. Dù nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 sẽ đạt 6,8 - 6,9%, nhưng không dễ. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn thấp, nên ngay cả mục tiêu tăng trưởng 6,7% cũng cần phải nỗ lực phấn đấu và quyết liệt trong điều hành”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.

Cũng theo ông Cao Viết Sinh, việc giá dầu tiếp tục xu hướng giảm mà chưa có khả năng hồi phục, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất và có khả năng “tạo đà” để tiếp tục tăng trong năm 2016 - 2017 cũng sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.

“Giá dầu mà giảm quá mạnh sẽ tạo sức ép lên cân đối ngân sách, buộc chúng ta phải có giải pháp để ứng phó. Fed tăng lãi suất cũng sẽ tạo sức ép lên tỷ giá. Các yếu tố này cộng thêm việc năm 2016 Việt Nam tiếp tục thực hiện lộ trình điều hành giá theo cơ chế thị trường đối với các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cũng sẽ tác động tới mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm tới. Phải hết sức thận trọng trong điều hành”, chuyên gia Cao Viết Sinh nhấn mạnh.

Cũng có chung quan điểm, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã bày tỏ lo ngại khi các tín hiệu về động lực cho tăng trưởng của năm sau không quá rõ nét. Do vậy, 6,7% là mục tiêu thách thức và phải hết sức thận trọng với biến động về giá dầu. “Giải pháp quan trọng vẫn là phải tập trung tái cấu trúc nền kinh tế”, ông Ân nói.

Tin bài liên quan