Kiểm toán thuế sẽ ngày càng siết chặt

Kiểm toán thuế sẽ ngày càng siết chặt

(ĐTCK) Kết quả kiểm toán và kết luận của Kiểm toán Nhà nước được ban hành trong nhiều trường hợp gây tranh cãi, song theo cơ quan Kiểm toán Nhà nước đều có cơ sở và doanh nghiệp cuối cùng đều “tâm phục, khẩu phục”. Theo xu hướng, các hoạt động này sẽ ngày càng được siết chặt hơn.

Giải mã tranh cãi thuế bia

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòa, Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại cuộc kiểm toán Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước năm ngân sách 2014, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện Sabeco có hành vi chuyển giá dẫn đến kê khai thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt, số tiền 408 tỷ đồng.

Cụ thể, Sabeco vừa thực hiện sản xuất, vừa thực hiện phân phối sản phẩm bia. Sabeco sản xuất và bán bia cho công ty con của mình là các công ty thương mại Sabeco.

Công ty này không bán bia ngay cho người tiêu dùng mà bán qua công ty con khác do doanh nghiệp này chi phối với giá thấp. Sau đó, bia được bán lại cho công ty khu vực, đến đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3, đến nhà hàng... sau đó mới đến người tiêu dùng. Như vậy, theo quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BTC, khó xác định giá ở mốc thời điểm nào  trong chuỗi bán hàng của  Sabeco để tính thuế.

Kiểm toán Nhà nước kết luận, Sabeco phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực, đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco chứ không phải giá bán của Sabeco ra công ty thương mại Sabeco. Theo đó, Sabeco phải nộp thuế ngân sách hơn 408 tỷ đồng, sau đó Sabeco đã nộp đủ số thuế này.

Cũng hành vi tương tự với cuộc kiểm toán năm 2016, Kiểm toán Nhà nước có công văn phát hành báo cáo kiểm toán ngày 27/1/2016 của Kiểm toán Nhà nước khu vực I  đối với Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), trong đó Kiểm toán Nhà nước kiến nghị số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp này là 920 tỷ đồng.

Đây là số thuế tiêu thụ đặc biệt của Habeco và các đơn vị thành viên bị truy thu trong giai đoạn 2012-2015, sau đợt kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước diễn ra từ 28/9-26/11/2015.

Năm 2016, qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 2.050 tỷ đồng. Năm 2017, đối chiếu 2.497 người nộp thuế, phát hiện 2.344 trường hợp có sai phạm, kiến nghị 1.351 tỷ đồng. Năm 2018, đối chiếu 2.605 người nộp thuế, kiến nghị 1.769 tỷ đồng.    

Theo Kiểm toán Nhà nước, về hình thức hợp tác sản xuất - kinh doanh, mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Habeco cũng tương đồng với mô hình sản xuất tiêu thụ sản phẩm của Sabeco, nên việc truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Habeco là phù hợp và Habeco đã thực hiện đầy đủ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Kết quả kiểm toán được tổng hợp cho thấy, vi phạm chính sách thuế diễn ra ở hầu hết các địa phương, các loại hình doanh nghiệp, chủ yếu là các hành vi kê khai thiếu doanh thu chịu thuế, sai thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng điều khoản miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không phù hợp, xác định chưa đúng tiền thu sử dụng đất, bỏ sót nhiều khoản chi phí không hợp lệ của doanh nghiệp...

Kết quả kiểm toán đối chiếu thuế cho thấy, số vụ vi phạm ngày càng tăng. Năm 2016, qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, Kiểm toán Nhà nước  kiến nghị các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 2.050 tỷ đồng. Năm 2017, đối chiếu 2.497 người nộp thuế, phát hiện 2.344 trường hợp có sai phạm, kiến nghị 1.351 tỷ đồng. Năm 2018, đối chiếu 2.605 người nộp thuế, kiến nghị 1.769 tỷ đồng. 

Sẽ ngày càng “siết chặt”

Theo bà Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III, bên cạnh các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, cần thực hiện kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Khi cần thiết, Tổng kiểm toán Nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.

Xuất phát từ quan điểm ở đâu có quản lý, sử dụng vốn nhà nước, ở đó cần có sự kiểm tra giám sát và đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản, vốn của Nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát phải do cơ quan Kiểm toán Nhà nước thực hiện và chịu trách nhiệm. Về việc lựa chọn các đơn vị kiểm toán thuộc lĩnh vực doanh nghiệp, Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 đã sửa đổi và bổ sung phạm vi kiểm toán đối với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian vừa qua, việc kiểm toán các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ  từ 50% vốn điều lệ trở xuống chiếm tỷ lệ rất thấp do việc đưa ra tiêu chí cụ thể còn gặp khó khăn.

Trong khi theo xu thế phát triển, thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thì đối tượng doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% ngày càng thu hẹp. Đây cũng là một thực tế mà hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực doanh nghiệp, trong đó có nội dung kiểm toán thuế cần được quan tâm.

Nếu xét về tỷ lệ thì phần vốn Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ có thể dưới 50%, nhưng số tuyệt đối của vốn đầu tư  vốn nhà nước của không ít doanh nghiệp  thuộc đối tượng không phải doanh nghiệp nhà nước rất lớn và có đơn vị Nhà nước không nắm giữ vốn  nhưng thực hiện dịch vụ có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Bởi vậy, bà Hạnh cho rằng, việc hạn chế thực hiện kiểm toán do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống là một hạn chế không chỉ đối với kiểm toán thuế, mà còn liên quan đến kiểm soát quá trình sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Chính sách ưu đãi thuế suất góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển giá để trốn thuế. Nhiều doanh nghiệp thành lập thêm các công ty con, công ty liên kết tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn rồi áp dụng các thủ đoạn chuyển giá để chuyển lợi nhuận sang các công ty này nhằm hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp. Có doanh nghiệp dặt trụ sở chính tại các địa bàn khó khăn, thành lập chi nhánh tại các thành phố lớn, mặc dù hầu hết các hoạt đông sản xuất - kinh doanh diễn ra tại chi nhánh ở các địa bàn không ưu đãi. 

Các doanh nghiệp lắp ráp xe ô tô trong nước, mặc dù được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu các bộ linh kiện lắp ráp, nhưng giá thành sản xuất xe lại cao hơn xe nhập khẩu, cho thấy có dấu hiệu của việc chuyển giá để trốn thuế.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài báo cáo lỗ liên tục nhiều năm, nhưng lại không ngừng mở rộng quy mô hoạt động, cho thấy có nhiều rủi ro trong vấn đề chuyển giá, lợi dụng kẽ hở về ưu đãi để giảm số thuế phải nộp. 

Ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực XIII

Tin bài liên quan