Một góc Khu công nghiệp Nam Cấm nằm trong Khu kinh tế Đông Nam.

Một góc Khu công nghiệp Nam Cấm nằm trong Khu kinh tế Đông Nam.

Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An): Điểm đến đầu tư hấp dẫn

Sau 10 năm xây dựng và phát triển (2007-2017), Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã và đang tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng, từng bước đưa Khu kinh tế trở thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng, là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, xem đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển, Khu kinh tế (KKT) Đông Nam đang phấn đấu trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại và đô thị của khu vực. Rất nhiều nhà đầu từ tiềm lực đã tìm đến KKT với mong muốn được đầu tư lâu dài.

Thành tựu nổi bật

Tính đến nay, KKT Đông Nam và các KCN tại tỉnh Nghệ An đã thu hút được 187 dự án đầu tư, trong đó có 156 dự án trong nước và 31 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt 35.692,8 tỷ đồng và 1,45 tỷ USD.

Hiện có 97 dự án đã đi vào hoạt động tại KKT, trong đó có 80 dự án trong nước, 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Các dự án đi vào hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, hải sản; may mặc; linh kiện điện tử; bia, rượu, nước giải khát; chế biến khoáng sản; sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng; dịch vụ logisctics...

Bên cạnh đó, là hàng loạt dự án có quy mô lớn, động lực làm tiền đề thu hút đầu tư cho những năm tiếp theo đang tập trung triển khai. Trong số này có thể kể tới Dự án KCN, Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An (76,4 triệu USD); Dự án KCN Hemaraj 1 Nghệ An (92,2 triệu USD); Dự án KCN Hoàng Mai 1 (812 tỷ đồng), 2 Dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen ở KCN Nam Cấm và KCN Đông Hồi (10.000 tỷ đồng); Dự án Trạm nghiền xi măng và cảng biển Vissai (3.000 tỷ đồng); Tổng kho xăng dầu và cảng biển DKC (1.229,2 tỷ đồng); Nhà máy thực phẩm Masan (1.695 tỷ đồng), Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn (1.896,6 tỷ đồng), Cảng nước sâu Cửa Lò (3.733,7 tỷ đồng)...

Sự xuất hiện của các nhà đầu tư tên tuổi là minh chứng rõ nét việc ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới nói chung và  Việt Nam nói riêng tiếp tục chọn KKT Đông Nam là điểm đến đầu tư chiến lược.

Ông Võ Văn Hải, Trưởng ban quản lý KKT Đông Nam cho biết: “Với phương châm đồng hành cùng nhà đầu tư, trong 10 năm qua, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã thu hút được vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh ngày càng được đơn giản hoá, rõ ràng, công khai và minh bạch. Thực hiện các cơ chế ưu đãi theo quy định của Chính phủ, Ban Quản lý đã từng bước đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, thu hút có trọng tâm, trọng điểm”.

Cùng với việc thu hút đầu tư, Ban Quản lý KKT đã hoàn thành các chương trình, đề án được giao thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, XVIII; cơ bản hoàn thành quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong KKT, các KCN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại KKT đã và đang được đầu tư đồng bộ. Tại KKT đã đưa vào khai thác sử dụng một số dự án, công trình quan trọng như các tuyến đường giao thông thiết yếu, các khu tái định cư phục vụ di dời dân đến nơi ở mới ổn định cuộc sống; Nhà máy xử lý nước thải KCN Bắc Vinh, Khu B, KCN Nam Cấm. Với hệ thống cảng biển, ngoài các bến cảng Cửa Lò hiện hữu, KKT đang triển khai xây dựng thêm bến cảng tổng hợp số 5, 6, bến cảng xi măng Vissai, bến cảng xăng dầu DKC...

Xây dựng khu kinh tế trọng điểm

Ban Quản lý KKT Đông Nam đang tập trung huy động nguồn lực triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng nhằm đưa KKT từng bước trở thành một khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển lớn khu vực Bắc Trung bộ, một trung tâm đô thị lớn của Nghệ An.

Hiện Ban Quản lý KKT Đông Nam đã đầu tư xây dựng các công trình đê chắn sóng và luồng tàu Cụm Cảng biển quốc tế Cửa Lò, Cảng biển Đông Hồi, các công trình cấp thoát nước; xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật theo các hình thức PPP, BOT, BT; tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các dự án. Ngoài ra, Ban Quản lý còn tiếp tục cải cách thủ tục đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, đặc biệt là các bộ, ngành Trung ương, đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Ban Quản lý còn tập trung phối hợp Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Công ty cổ phần Hemaraj, Cienco 4 Nghệ An, Công ty cổ phần đầu tư KCN Hoàng Mai…thu hút các dự án thứ cấp vào các KCN Hemaraj 1, VSIP, Hoàng Mai 1, Nghĩa Đàn. Ban Quản lý cũng hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm như Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của Tập đoàn FLC, Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 của Tập đoàn Posco Hàn Quốc…

Theo Ban Quản lý KKT Đông Nam, để thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra, Ban Quản lý cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có tinh thần, thái độ và trách nhiệm cao trong thực thi công vụ.

“Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chúng tôi luôn đồng hành, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Sự thành công của nhà đầu tư là kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban”, ông Võ Văn Hải nhấn mạnh.

KKT Đông Nam được thành lập theo Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với diện tích 18.826,47 ha. Năm 2014, được điều chỉnh mở rộng ranh giới thêm các KCN Hoàng Mai, KCN Đông Hồi (1.200 ha) theo Quyết định số 67/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2015/QĐ-TTg bổ sung 750 ha để thực hiện Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An. Đến nay, KKT Đông Nam đã được quy hoạch mở rộng diện tích lên 20.776,47 ha, thuộc địa bàn các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TP. Vinh, thị xã Hoàng Mai và thị xã Cửa Lò.

"Hệ thống hạ tầng khá hoàn chỉnh"

 Ông Edwin Chee, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH VSIP Nghệ An

Nhờ hệ thống hạ tầng tại KKT khá hoàn chỉnh, nên chúng tôi có điều kiện thuận lợi lớn khi kết nối với các nơi khác. Ban Quản lý KKT Đông Nam đã hỗ trợ rất tốt, giúp chúng tôi xử lý các thủ tục liên quan.

Chúng tôi thấy rằng, lãnh đạo tỉnh Nghệ An quan tâm rất nhiều tới phát triển kinh tế. Điểu này được thể hiện qua hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, như đơn giản hóa thủ tục hành chính, để nhà đầu tư yên tâm vào Nghệ An.

"Thời gian và thủ tục hành chính được rút ngắn"

Ông Bordin Harnvanich, Giám đốc dự án quốc tế, Tập đoàn Hemaraj (Thái Lan)

Ngay khi bắt đầu dự án, chúng tôi nghĩ mình phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ. Song khi làm việc, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã giúp chúng tôi rút ngắn được rất nhiều thời gian, thủ tục.

Mọi việc rất thuận lợi, vì vậy, chúng tôi tin tưởng là khi rót vốn vào KCN của chúng tôi, các nhà đầu tư thứ cấp cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi như vậy.

"Luôn đồng hành với nhà đầu tư"

Ông Jeong Bong Soo, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam

Các doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định Nghệ An là địa phương có sự hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Khi nhà đầu tư gặp vướng mắc, thì UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, Ban Quản lý KKT Đông Nam đều vào cuộc, nên các vấn đề được xử lý nhanh, kịp thời.

Tin bài liên quan