Không thể thu lợi trên sự an nguy của cộng đồng

Không thể thu lợi trên sự an nguy của cộng đồng

Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng diễn ra đầu tuần này tại Km 76, Quốc lộ 5 trên địa bàn huyện Kim Thành, Hải Dương làm 8 người tử vong tại chỗ thực sự là hồi chuông cảnh báo gắt gao về công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, về tình trạng một số ông chủ doanh nghiệp và lái xe bất chấp quy định, thu lợi trên sự an nguy của cả cộng đồng.

Kết quả điều tra chính thức của cơ quan chức năng sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc này, nhưng theo thông tin sơ bộ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lái xe gây tai nạn đã dương tính với chất gây nghiện. Đây là điểm chung đáng sợ của vụ tai nạn vừa xảy ra tại Hải Dương với vụ xe container đâm liên hoàn làm 6 người tử vong tại Bến Lức - Long An vào đầu năm 2019.

Cần phải thừa nhận rằng, trong những năm qua, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, cùng biện pháp quản lý nhằm từng bước kiềm chế tai nạn giao thông.

Thế nhưng, những diễn biến trong khoảng 2 tháng gần đây lại cho kết quả ngược lại.

Tai nạn giao thông đang có xu hướng leo thang kể cả về số vụ lẫn mức độ nghiêm trọng, mà một trong nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện (lái xe container, lái xe khách, lái xe đường dài) sử dụng chất ma túy, rượu bia, vi phạm quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Thực tế này càng làm gia tăng nỗi lo về sự bất an với người tham gia giao thông, khiến mỗi lần ra đường, nhiều người có cảm giác như xông vào chiến trường.

Hiện tượng chủ doanh nghiệp vận tải và người lái xe ô tô chạy theo doanh thu, lợi nhuận, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về thời gian làm việc của lái xe (không được lái xe quá 10h mỗi ngày và không lái liên tục quá 4h), chở quá tải… ngày một phổ biến, nhưng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý.

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán 2019 cận kề, hoạt động vận tải đang gia tăng chóng mặt trên các cung đường, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an cần sớm chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt là việc sử dụng rượu, bia, chất gây nghiện của lái xe.

Ngoài ra, cần gấp rút tổng rà soát việc quản lý sử dụng các phương tiện vận tải; kiểm tra việc thực hiện quy định về thời gian làm việc đối với lái xe container, lái xe khách, lái xe đường dài tại doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, phải xem xét lại công tác tuyển dụng lái xe, quản lý hồ sơ sức khỏe của lái xe tại các doanh nghiệp…

Về lâu dài, cần siết chặt việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chuyên nghiệp theo hướng nâng cao độ khó của các bài thi, thời gian đào tạo; nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác đảm bảo trật tự, ant toàn giao thông, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; tạo áp lực đủ lớn để các doanh nghiệp vận tải tích tụ đủ lớn về số lượng, từ đó làm chuyển biến chất lượng dịch vụ.

Quan trọng hơn, đã đến lúc phải rà soát lại các quy định về kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ theo hướng chặt chẽ và công khai, minh bạch, có tính khả thi, để các doanh nghiệp vận tải chân chính có cơ hội làm đúng, làm tử tế và an toàn.

Sẽ là vô nhân đạo nếu chúng ta chấp nhận nới lỏng các quy định, điều kiện kinh doanh để một số ông chủ doanh nghiệp vận tải thu lợi trên sự an nguy của cả cộng đồng.

Càng không thể lơ là việc kiểm soát trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường, để xóa đi những hình ảnh bi thương về tai nạn giao thông, để nỗi lo không thể trở về nhà vào cuối mỗi ngày sau khi ra đường không còn ám ảnh với người tham gia giao thông.

Tin bài liên quan