Không để “có tiền mà không tiêu được”

Nỗi lo “có tiền mà không tiêu được” sẽ sớm được giải tỏa sau khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.
Không để “có tiền mà không tiêu được”

Việc ban hành nghị quyết này là cần thiết và quan trọng khi năm nay, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là một “điểm nghẽn”, là “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế. 10 tháng, dù tình hình thực hiện vốn đầu tư công đã được đẩy mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước vẫn đạt thấp so với các năm trong giai đoạn 2015 - 2019.

Con số cụ thể được Tổng cục Thống kê công bố. Đó là 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt 260.400 tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 70,3% và tăng 12,1%).

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay từ đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đã rất chậm. Chuyện “có tiền mà không tiêu được” khiến Chính phủ và dư luận xã hội nói chung rất sốt ruột. Liên tiếp các chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ được ban hành để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Việc sửa đổi Luật Đầu tư công cũng đã rốt ráo được thực hiện để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Một hội nghị trực tuyến toàn quốc về phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công cũng đã được tổ chức.

Nỗ lực là vậy, nhưng tình hình chưa cải thiện nhiều. Vì lẽ đó, câu chuyện “có tiền mà không tiêu được” đã tiếp tục làm “nóng” nghị trường Quốc hội.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, rất nhiều đại biểu đã đề cập vấn đề này, từ chuyện đây là vấn đề tồn tại nhiều năm qua, nhưng chưa khắc phục được, đến chuyện phải xem lại xem đâu là nguyên nhân để tránh lãng phí nguồn lực.

Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, bao gồm cả việc lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư, song một nguyên nhân quan trọng được nhắc tới là do yếu tố chủ quan. Bởi rõ ràng, cùng một thể chế, chính sách, nhưng có địa phương, có ngành giải ngân tốt, trong khi có nhiều ngành, địa phương chỉ giải ngân được 10-15%, nên không thể chỉ đổ lỗi cho khách quan được.

Phải chăng, lý do là ở thắt chặt thủ tục đầu tư, do công khai, minh bạch, do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt làm mất động lực của các chủ đầu tư?

Phải chăng, lý do nằm ở quản trị yếu kém, cán bộ tham mưu thiếu chuyên môn, yếu nghiệp vụ; năng lực lãnh đạo của người đứng đầu hạn chế, lại trong bối cảnh “lò” lúc nào cũng nóng nên không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm”?

Các đại biểu Quốc hội đã rất thẳng thắn đặt câu hỏi như vậy. Có bao nhiêu phần trăm trong những câu hỏi này là sự thật? Đây là điều cần sớm có lời giải đáp để căn bệnh kinh niên “có tiền mà không tiêu được” được chữa khỏi.

Để chữa căn bệnh đó,  trong Nghị quyết số 94/NQ-CP, Chính phủ đã chỉ ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm cả việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công, cũng như khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và năm 2019. Bên cạnh đó là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công năm 2019; là đổi mới công tác lập, theo dõi, đánh giá và thực hiện kế hoạch đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư công trung hạn và hàng năm. Ngoài ra, cần sớm chuẩn bị tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025….

Việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch cũng được nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, cần rốt ráo hơn bao giờ hết việc thực hiện nghị quyết này để không lặp lại tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.

Tin bài liên quan