Khơi dòng vốn PPP: Cần chia sẻ cả rủi ro

Khơi dòng vốn PPP: Cần chia sẻ cả rủi ro

(ĐTCK) Giống như hầu hết các thành phố khác trên thế giới, nếu chỉ dựa vào đầu tư công, TP. HCM sẽ không thể đáp ứng hết nhu cầu ngày càng lớn về hạ tầng và dịch vụ. Vì vậy, cần cải thiện hiệu quả đầu tư công và hướng đến phát triển tốt hơn nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Nhu cầu tất yếu

Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế về hợp tác công - tư trong một số lĩnh vực tại TP.HCM, các diễn giả cho biết, để có thể duy trì lợi ích kinh tế cạnh tranh, cũng như giải quyết các thách thức từ tốc độ đô thị hóa nhanh, TP.HCM cần phải đầu tư hạ tầng nhiều hơn, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục vào môi trường.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính từ năm 2000 đến nay, có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng PPP (mô hình đối tác công – tư) với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 69.869 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục thực hiện 130 dự án (hiện đang ở bước chuẩn bị đầu tư như lập, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…) với tổng mức đầu tư dự kiến là 380.947 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chia sẻ, Thành phố đang đứng trước những thách thức lớn như việc phải xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết hỗ trợ cho dân số ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh… Trong khi đó, với quy mô đầu tư toàn xã hội lên đến 1.829.385 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Thành phố chỉ chiếm khoảng 8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP.HCM. Như vậy, vốn đầu tư từ ngân sách trong những năm qua chỉ đóng vai trò vốn mồi.

“Việc thúc đẩy, kêu gọi đầu tư theo hình thức doanh nghiệp và nhà nước cùng làm là yêu cầu tất yếu”, bà Mai cho biết.

Để mô hình đối tác công - tư thành công, theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, cần phải công nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư không chỉ chia sẻ lợi ích, mà còn cả rủi ro.

“Trong bất kỳ mối quan hệ nào, nếu rủi ro và lợi ích không được chia sẻ đồng đều thì khả năng thất bại sẽ rất cao. PPP phải là mô hình hợp tác để các bên liên quan đều có lợi”, ông Ousmane Dione nói.

Theo Ngân hàng Thế giới, để thu hút nguồn lực tư nhân, cần thể chế, khung pháp lý quy định rõ ràng, chặt chẽ để giúp các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro trong dài hạn.

Khó khăn khi thu hút nguồn vốn

“Cơ chế chia sẻ rủi ro giữa với các nhà đầu tư còn hạn chế, mặt bằng lãi suất cao làm gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư… là những khó khăn mà Thành phố gặp phải khi thu hút đầu tư theo hình thức PPP”, bà Mai nhìn nhận.

Trong khi đó, đánh giá về những khó khăn khi thu hút nguồn vốn đầu tư PPP, đại diện Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, còn vướng mắc khi tính pháp lý về PPP chưa đầy đủ, rõ ràng và ổn định, có sự chồng lấn về phạm vi triển khai PPP với các dự án “xã hội hóa” đầu tư…

Nhìn ở góc độ quản lý tài chính, ông Sebastian Eckardt, Trưởng chương trình Ngân hàng Thế giới khuyến cáo, các dự án PPP lâu dài cần phải có nguồn lực để chi trả. Trong khi đó, tổng nguồn thu của Thành phố đang giảm dần, đặc biệt là các nguồn thu liên quan đến chuyển giao đất, nguồn thu về thuế không còn đóng góp nhiều trong tổng nguồn thu chung… 

“Cần phải lưu ý những điểm này để xây dựng cơ sở nguồn thu bền vững”, ông Sebastian Eckardt nói.

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, PPP dù mang tới nhiều lợi ích, gia tăng hiệu quả, cũng như tính trách nhiệm của các dịch vụ trong tương lai, nhưng đồng thời mang lại nhiều rủi ro. Chính vì vậy cần đặt PPP trong phần công nợ vì hợp tác PPP là lâu dài và đây là công nợ phải trả trong tương lai.

Tin bài liên quan