Tiếp nối thành công của Kỳ họp thứ nhất, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Tiếp nối thành công của Kỳ họp thứ nhất, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV

Sáng nay vào lúc 9h sáng 20/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc, bắt đầu kỳ họp kéo dài tới 26 ngày và dự kiến bế mạc bế mạc vào chiều ngày 23/11/2016.     
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2016, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi chậm đã tác động xấu đến phát triển kinh tế nước ta.
Ở trong nước, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai, hạn hán, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung gây khó khăn lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Mặc dù khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế là rất lớn nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng; sự giám sát hiệu quả của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành; sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân đã tạo ra không khí mới, động lực mới, niềm tin và kỳ vọng vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định đối với các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng (chiếm khoảng 65% thời gian của kỳ họp) vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất tập trung cho công tác nhân sự của Nhà nước.

Theo đó, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 Nghị quyết và cho ý kiến về 13 dự án luật khác, 01 nghị quyết.

Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Cụ thể, các báo cáo của Chính phủ gồm: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-  2020; Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm; Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; Báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020; Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông.

Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội cũng sẽ giám sát tối cao về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày.

Nhằm góp phần thông tin, tuyên truyền rộng rãi tới cử tri và nhân dân cả nước về hoạt động của Kỳ họp thứ hai, Văn phòng Quốc hội tổ chức và vận hành Trung tâm báo chí Kỳ họp tại tầng B1, Nhà Quốc hội; đồng thời, bố trí Phòng phỏng vấn tại tầng 3, Nhà Quốc hội để tạo điều kiện cho phóng viên phỏng vấn đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao theo quy định.

Để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp, trong chương trình nghị sự của kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ bố trí 13 buổi họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Kênh thời sự VTV1;  Kênh Truyền hình Quốc hội và VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tin bài liên quan