Ngành công nghiệp chế tạo đã có bước nhảy vọt trong 9 tháng đầu năm 2017

Ngành công nghiệp chế tạo đã có bước nhảy vọt trong 9 tháng đầu năm 2017

Hợp sức đưa con tàu kinh tế về đích tăng trưởng (KỲ 4): Công nghiệp và xuất khẩu, hai mũi giáp công tiến đích

(ĐTCK) Nền kinh tế quý III đã có những đột phá vượt bậc với mức tăng GDP 7,46%, trong đó có phần đóng góp không nhỏ từ sự tăng trưởng khả quan của 2 lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu. Quý IV được kỳ vọng sẽ tiếp tục chứng kiến 2 mũi giáp công này tiến đích, đưa nền kinh tế đạt đến tăng trưởng 6,7%. 

Đột phá tăng trưởng

Con số doanh thu và lợi nhuận lên tới hàng chục tỷ USD 6 tháng đầu năm 2017, cùng mức tăng trưởng xuất khẩu của tổ hợp Samsung Electronics tại Việt Nam gần đây là tín hiệu báo trước sự thăng hoa của ngành công nghiệp chế tạo trong quý III/2017.

Không nằm ngoài dự đoán, số liệu thống kê được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự bứt phá với tốc độ tăng trưởng ước đạt 16,63% trong quý III, mức cao nhất kể từ năm 2011, đồng thời là ngành có mức tăng cao nhất trong lĩnh vực công nghiệp.

Nguyên nhân chính được Tổng cục Thống kê lý giải là do có sự đóng góp quan trọng của các ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, tập trung ở sản xuất điện thoại di động thông minh giá trị cao và linh kiện điện tử xuất khẩu toàn cầu. Đặc biệt, trong đó, chỉ số sản xuất ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại quý III đã tăng tới 45,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2017, toàn ngành này đạt mức tăng 25,1%.

ảnh 1

Như vậy, với việc Samsung mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử giá trị cao, trong đó nổi lên là sự xuất hiện của sản phẩm mới Samsung Galaxy Note 8, ngành công nghiệp chế tạo đã có bước nhảy vọt 9 tháng, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tới 12,77% (cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2012 - 2016).

Với doanh thu ngành điện tử của tổ hợp Samsung Electronics cả năm 2017 dự kiến đạt 1.188,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2016, dự báo mức tăng trưởng cả năm 2017 của ngành điện tử sẽ đạt mức kỷ lục, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực của ngành chế tạo trong lĩnh vực công nghiệp.

Cùng với công nghiệp chế tạo, ngành công nghiệp sản xuất kim loại 9 tháng đầu năm nay cũng tăng trưởng ấn tượng (21,4%), trong đó có đóng góp của Tập đoàn Formosa.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy, hàng loạt ngành công nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng tích cực trong sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 14,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,6%; sắt, thép thô tăng 28%; thép cán tăng 23,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16,8%.

Sự tăng trưởng mạnh của các ngành này, cùng công nghiệp chế biến chế tạo, đã bù đắp đáng kể phần sụt giảm của một số ngành công nghiệp truyền thống chưa thể phục hồi như khai khoáng, giày dép…

Xuất khẩu là điểm sáng lớn thứ hai trong bức tranh kinh tế 9 tháng với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 8 đạt 19.767 triệu USD, là tháng cao nhất từ trước đến nay.

GDP tăng cả về lượng và chất

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu không chỉ tăng về số lượng mà ngày càng cải thiện về chất lượng khi chủ yếu gia tăng mạnh ở các mặt hàng chủ lực có giá trị gia tăng cao như điện thoại và linh kiện đạt 31 tỷ USD, tăng 21,4%; dệt may đạt 19,3 tỷ USD, tăng 8,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,5 tỷ USD, tăng 40,8%...

Cùng với đó, sự tăng trưởng tích cực tại các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và ASEAN cũng là những tín hiệu khả quan để xuất khẩu có cơ sở tăng tốc về đích trong quý IV. 

Gỡ khó, thúc chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 8%

Nghị quyết 23/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017 đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%. Để cụ thể hóa mục tiêu này, Bộ Công thương đưa ra kế hoạch hiện thực hóa cho 2 mũi nhọn chủ lực là đảm bảo tăng trưởng các ngành công nghiệp chính và thúc đẩy xuất khẩu.

Cụ thể là nỗ lực đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng hơn 8%, giá trị gia tăng của ngành tăng hơn 7% và kim ngạch xuất khẩu năm 2017 dự kiến đạt khoảng 188 - 200 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2016.

Tại cuộc họp tìm giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hồi tháng 6, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, kết quả rà soát cho thấy, có cơ sở để đạt mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành cả năm 2017 là 8%. Theo đại diện Bộ Công thương, các phương án thực hiện đã được rà soát, tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở mục tiêu từng nhóm sản phẩm, đồng thời bám sát chỉ tiêu tăng trưởng của từng ngành.

  ảnh 1

Như vậy, cùng với vai trò động lực của ngành chế biến chế tạo, ngành công nghiệp khai khoáng và khai thác dầu khí tiếp tục là nòng cốt để đảm bảo đạt mục tiêu. Cụ thể, ngành dầu khí phấn đấu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỷ m3 khí, đưa kế hoạch cả năm đạt 13,28 triệu tấn dầu và 10,6 tỷ m3 khí, đóng góp thêm khoảng 0,25% mức tăng GDP.

Ngành than nỗ lực giảm tồn kho, tăng sản lượng khai thác khoảng 2 triệu tấn và đẩy mạnh tiêu thụ để đạt doanh thu ít nhất 110 nghìn tỷ đồng so với 106 nghìn tỷ đồng dự kiến, đóng góp 0,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP chung.

Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng titan, đá vôi trắng, đẩy mạnh xuất khẩu phục hồi tăng trưởng của ngành công nghiệp khai khoáng.

Mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu

Để đảm bảo đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 188 - 200 tỷ USD năm 2017, Bộ Công thương xác định đồng loạt các giải pháp mở rộng thị trường, song song với nâng cao giá trị xuất khẩu thông qua tăng hàm lượng giá trị gia tăng các mặt hàng chế biến chế tạo, đặc biệt tập trung tại các nhóm hàng chủ lực như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, nông sản và thủy sản, đồ gỗ, giày dép... Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua đổi mới công nghệ, quản trị.

Với kế hoạch xuất khẩu 50 tỷ USD từ ngành hàng điện tử của Samsung trong năm 2017, dự kiến nhóm hàng điện thoại, linh kiện điện tử sẽ tăng tốc mạnh trong quý IV. Trong khi đó, nhóm hàng dệt may, theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 30,5 tỷ USD năm 2017.

Cổ phiếu thủy sản vô cảm với sức tăng xuất khẩu, vì sao?

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu nhóm hàng này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas nhận định, trong 3 quý đầu năm nay, tuy gặp khá nhiều khó khăn do nhu cầu hàng dệt may không tăng, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường thế giới, song xuất khẩu dệt may vẫn tăng trưởng tốt với kim ngạch xuất khẩu tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 19,8 tỷ USD với thị trường trọng điểm là Mỹ, EU.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu, cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh cho ngành chủ lực này, ông Giang đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ thiết thực cho phát triển ngành sợi dệt để đảm bảo chủ động khâu nguyên liệu cho doanh nghiệp trong ngành.

Đồng thời xem xét lại chính sách thuế phí cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu trong nước chưa thể sản xuất, cũng như sửa đổi một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may trong sản xuất và xuất khẩu.

Là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có sự tăng trưởng ấn tượng 9 tháng đầu năm, nông lâm thủy sản cũng được xác định là một trong những mũi nhọn.

Để đạt được kế hoạch tăng trưởng cho ngành này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ trong việc đàm phán, tháo gỡ khó khăn, rào cản từ các quy định trên thị trường quốc tế, thông tin kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tránh được các vụ kiện phòng vệ thương mại, tận dụng lợi thế cam kết từ các hiệp định thương mại, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu, cũng như phối hợp tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để mở rộng hơn nữa các thị trường tiềm năng.

Kỳ cuối: Dự báo sớm bức tranh kinh tế 2018  

Sẽ Đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động một số tập đoàn, tổng công ty lớn

Hợp sức đưa con tàu kinh tế về đích tăng trưởng (KỲ 4): Công nghiệp và xuất khẩu, hai mũi giáp công tiến đích ảnh 5

Bộ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh 

Để tăng năng lực sản xuất và khơi thông thêm nguồn lực, dòng vốn vào sản xuất công nghiệp, cùng với các nhóm giải pháp mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Bộ Công thương sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế, như sản xuất đồ uống, hóa chất, điện lực, than, khoáng sản, dầu khí...

Đây vừa là giải pháp mang tính trước mắt nhằm tiết giảm chi phí quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, vừa là giải pháp mang tính lâu dài để bảo đảm sự phát triển bền vững, phục vụ cho tăng trưởng vững vàng của nền kinh tế trong những năm tiếp theo.

Tin bài liên quan