Hiện thực hóa một tầm nhìn phát triển

Hiện thực hóa một tầm nhìn phát triển

(ĐTCK) Phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đã đến lúc phải đi ra thế giới, chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam. Một giấc mơ quốc gia vĩ đại sẽ làm nên các doanh nghiệp vĩ đại, những con người vĩ đại. Và sức mạnh đó đến từ ý chí cùng sự sáng tạo của chính mỗi thành viên chúng ta.

Vượt qua thách thức để vươn lên

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp trẻ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khát vọng của mỗi người Việt Nam sẽ hòa mình vào khát vọng lớn hơn của dân tộc chúng ta về một đất nước thịnh vượng, người dân hạnh phúc. Năm 2045, thời điểm tròn 100 năm Quốc khánh, mục tiêu Việt Nam sẽ là một nước phát triển, với thu nhập bình quân đầu người hơn 18.000 USD...

Trong khi đó, thực tế cho thấy, nhân loại không còn nhiều tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó chính là sự sáng tạo của con người, của chính tiềm năng trong mỗi chúng ta. “Không có thứ tài nguyên nào vô tận và vĩnh cửu như khả năng sáng tạo”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo. Nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước. “Đã đến lúc phải đi ra thế giới, chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Một cách cụ thể hơn, Thủ tướng cho rằng, cần nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Xây dựng bộ máy liêm chính, hành động phục vụ, đây là nền tảng để tạo nên bộ máy nói không với tiêu cực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Mọi cấp, mọi ngành, nhất là cấp trung gian, cấp cơ sở liên quan trực tiếp đến người dân phải làm tốt khâu này, chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Tinh thần chỉ đạo quyết liệt, có điểm nhấn, có nội dung cụ thể, sát thực tiễn, có giải pháp trực diện vào những khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh, xoáy vào những vấn đề bất cập hiện nay, chứ không chung chung. Trong các thông điệp và nỗ lực vì sự phát triển, cần thể hiện rõ ổn định vĩ mô là mục tiêu ưu tiên nhất quán, là nền tảng phát triển nhanh, bền vững.

Năm 2018, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cả nước đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tạo chuyển biến tích cực trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt cao hơn mục tiêu 6,7% đã đề ra; có trên 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới; đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng; trong đó, đầu tư của khu vực tư nhân ngày càng tăng, giải ngân vốn FDI ước đạt 18 tỷ USD; xuất khẩu đạt xấp xỉ 240 tỷ USD... 

Nền tảng cho tương lai vững tiến

Cảm nhận về bức tranh tăng trưởng kinh tế 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là những thành quả rất đáng khích lệ, tạo nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 cũng như giai đoạn tới.

Trước cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Diễn đàn Doanh nghiệp cuối kỳ năm 2018, Bộ trưởng lạc quan chia sẻ, bước sang năm 2019, dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục khả quan. Trên đà tăng trưởng tích cực của năm 2018, nền kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ những động lực quan trọng, trong đó có tiến trình hội nhập sâu rộng với việc thực thi hàng loạt hiệp định thương mại, mở rộng cơ hội gia tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư… Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố sẽ có những tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế của Việt Nam trong năm 2019.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nền kinh tế đất nước vẫn còn nhiều nhiều khó khăn, thách thức. Sức ép lạm phát còn lớn, chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, khả năng chống chịu của nền kinh tế còn thấp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, nguy cơ tụt hậu còn hiện hữu. Trong khi đó, diễn biến kinh tế thế giới đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều rủi ro, thách thức bất định.

Căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại có nguy cơ mở rộng, xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng, thị trường năng lượng, thị trường tiền tệ toàn cầu biến động khó lường... Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất và đời sống, việc thực hiện đầy đủ hàng loạt các cam kết mở cửa, hội nhập từ năm 2019 bên cạnh đem lại cơ hội thu hút các nguồn lực, dòng vốn và công nghệ mới, cũng sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất - kinh doanh trong nước. “Trong bối cảnh này, mục tiêu quan trọng và tổng quát vẫn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2018, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế”, Bộ trưởng chia sẻ.

Để khắc phục những tồn tại bất cập, tạo đà cho tăng trưởng nhanh mạnh và vững chắc trong năm 2019 và những năm tới, tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, định hướng mục tiêu điều hành của Chính phủ là đẩy mạnh tiến trình đổi mới toàn diện nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững gắn với quyết liệt thực hiện các đột phá lớn, đẩy mạnh hơn nữa đổi mới và nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển đồng bộ các loại thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản...

Cùng với đó, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin rằng, năm 2019 sẽ là bước đệm vững chắc để hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn phát triển của thập niên tới, đó là đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế năng động, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, có khả năng phát triển nhanh và bền vững. 

Tin bài liên quan