Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đảm bảo so với quy định là vi phạm phổ biến nhất tại các trung tâm đào tạo lái xe.

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đảm bảo so với quy định là vi phạm phổ biến nhất tại các trung tâm đào tạo lái xe.

Hàng loạt vi phạm trong đào tạo lái xe

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa bắt lỗi hàng loạt vi phạm trong quy trình đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận.

Đào tạo lộn xộn

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa ký Kết luận thanh tra số 5899/KL - BGTVT thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại Sở GTVT và 41/113 đơn vị trên địa bàn 4 địa phương là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận.

Trong số 4 tỉnh, thành phố được Bộ GTVT thanh tra, 3 địa phương có năng lực đào tạo lái xe ô tô rất lớn, trong đó đứng đầu là Sở GTVT TP.HCM quản lý 53 cơ sở, với tổng năng lực đào tạo 58.406 học viên/năm; Sở GTVT Đồng Nai quản lý 12 cơ sở (8.777 học viên/năm); Sở GTVT Bình Dương quản lý 9 cơ sở (5.984 học viên/năm). 

Mặc dù thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành nhiều quy định nhằm siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, nhưng trong đợt thanh tra được tiến hành trong hơn 1 tháng (16/4 - 25/5/2018) này, hàng loạt vi phạm vẫn được phát hiện tại khá nhiều cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe của cả 4 địa phương nói trên.

Loại vi phạm mà các trung tâm đào tạo lái xe bị “thổi còi” nhiều nhất là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đảm bảo so với quy định tại Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô.

Cụ thể, đối với sân tập lái, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện 7 đơn vị sân tập lái có một số hình tập bố trí chung với đường nội bộ của đơn vị, không đảm bảo an toàn khi tập lái xe, gồm:

Trung tâm Kỹ năng thực hành cơ giới GTVT (Trường Cao đẳng GTVT TW 3), Trung tâm Dạy nghệ tư thục lái xe Hải Nam, Trường Trung cấp nghề  Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, Trung tâm Dạy nghề tư thục Tiến Thành (TP.HCM);

Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe 2 (Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân VI Đồng Nai); Phân hiệu Cao đẳng Đường sắt phía Nam, Trung tâm Kỹ năng thực hành cơ giới GTVT Thuận An (Bình Dương).

Một tồn tại phổ biến nữa là công tác tuyển sinh tại nhiều cơ sở đào tạo lái xe được thực hiện thiếu nghiêm túc.

Mặc dù, chỉ tiến hành kiểm tra xác suất, nhưng Thanh tra Bộ GTVT vẫn phát hiện tới 27 đơn vị có một số hồ sơ học viên lái xe không đủ thành phần hồ sơ, hoặc đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe, bản khai thời gian và chiều dài hành trình lái xe an toàn (đối với học nâng hạng giấy phép lái xe) không đủ thông tin... 

Đáng chú ý, có tới 31 đơn vị có một số hợp đồng đào tạo lái xe có nội dung không phù hợp như: trích dẫn thông tin của giấy phép đào tạo lái xe không đúng hoặc căn cứ vào giấy phép đào tạo lái xe hết giá trị sử dụng; địa điểm học thực hành lái xe không có tuyến đường tập lái; thời gian đào tạo không đúng với kế hoạch đào tạo...

Các đơn vị dính cả hai lỗi nặng này là Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe Thiên Tâm, Trung tâm Đào tạo lái xe Sóng Thần (Bình Dương); Trung tâm Dạy nghề tư thục lái xe Trường An; Trung tâm Dạy nghề bán công Sài Gòn Tourist, Trung tâm Dạy nghề GTVT Viễn Đông (TP.HCM); Trường Trung cấp Đinh Tiên Hoàng, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai…

Trong công tác đào tạo, Thanh tra Bộ GTVT ghi nhận hiện tượng nhiều giáo viên không tự ghi chép hoặc ghi chép sơ sài, mang tính hình thức tại sổ lên lớp, giáo án giảng dạy và sổ theo dõi thực hành lái xe.

Sổ theo dõi thực hành lái xe in sẵn không có đủ chữ ký của trưởng ban nghề, giáo viên, học viên; ghi chép, phân bổ một số nội dung, thời gian, địa điểm đào tạo không phù hợp với thực tế giảng dạy.

Sát hạch lỏng lẻo

Liên quan đến công tác sát hạch lái xe, qua kiểm tra, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện các sở GTVT: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương phân công sát hạch viên làm Chủ tịch Hội đồng Sát hạch, Tổ trưởng Tổ Sát hạch một số kỳ sát hạch lái xe không phải là người của Cơ quan Quản lý sát hạch lái xe thuộc Sở, không đúng quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 23; điểm a, khoản 2, Điều 24 và khoản 2, Điều 29 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT.

Tại Sở GTVT TP.HCM, có 8 sát hạch viên hiện tại không đủ điều kiện là sát hạch viên theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 24 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT do đã chuyển công tác về Trường Cao đẳng GTVT TP.HCM.

Thanh tra Bộ GTVT khẳng định, Sở GTVT TP.HCM đã kiểm tra, soát xét hồ sơ để cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe chưa chặt chẽ, còn có trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả (giáo viên của Trung tâm Dạy nghề tư thục Tiến Thành).

Tại Đồng Nai, Bình Dương, qua kiểm tra xác suất, Bộ GTVT phát hiện có một số kỳ sát hạch lái xe có thời điểm số lượng người làm việc trong phòng sát hạch lý thuyết nhiều hơn số người theo hướng dẫn thực hiện quy trình sát hạch lái xe mô tô và ô tô của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

“Trong một số thời điểm, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chưa được quan tâm đúng mức (Sở GTVT TP.HCM); chưa thực hiện quyết liệt, đầy đủ một số nội dung thuộc trách nhiệm giải quyết của Sở như tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá.

Cùng với việc yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm điểm, xác định và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan về tồn tại, sai sót trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo Chánh thanh tra trực thuộc ra quyết định xử phạt hành chính đối với 7 đơn vị và 1 cá nhân; cảnh cáo 3 cơ sở đào tạo đã để xảy ra sai sót.

“Các Sở GTVT phải tăng cường kiểm tra các khóa đào tạo lái xe, giám sát kỳ thi cấp chứng chỉ lái xe ô tô, để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các đơn vị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu.

Các đơn vị bị kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính

Tại TP.HCM: Trường Trung cấp Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn; Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương; Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM; Trung tâm Dạy nghề Đồng Tiến; ông Nguyễn Hồng Phát (giáo viên dạy lái xe thuộc Trung tâm Dạy nghề tư thục Tiến Thành).

Tại Đồng Nai: Trường Trung cấp Đinh Tiên Hoàng.

Tại Bình Dương: Phân hiệu Cao đẳng Đường sắt phía Nam thuộc Trường Cao đẳng Đường sắt.

Ninh Thuận: Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận.

Tin bài liên quan