Không ít doanh nghiệp FDI báo lỗ do chi phí trả lãi tiền vay cho công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn, dù doanh thu vẫn tăng trưởng

Không ít doanh nghiệp FDI báo lỗ do chi phí trả lãi tiền vay cho công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn, dù doanh thu vẫn tăng trưởng

Hạn chế doanh nghiệp “tay không bắt giặc” bằng công cụ thuế

(ĐTCK) Trước hiện trạng doanh nghiệp ra đời và hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay, gây nên những rủi ro cho chính doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đang đề xuất sử dụng công cụ thuế để xử lý tình trạng khá phổ biến này.

“Tay không bắt giặc”...

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, đã ví như vậy để nói về hiện trạng nhiều doanh nghiệp được thành lập và hoạt động chủ yếu dựa vào các nguồn vốn đi vay, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không đáng kể. Theo ông Thi, thực tế này dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính đối với chính doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.

Công tác quản lý thu ngân sách cho thấy, vừa qua, không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thương mại, dịch vụ… báo cáo kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh thua lỗ, trong khi doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm và doanh nghiệp không ngừng mở rộng quy mô.

Số liệu tổng hợp 9.400 doanh nghiệp FDI trên cả nước với tổng tài sản khoảng 105 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 70% doanh nghiệp FDI còn hoạt động cho thấy, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chung tất cả các ngành là 1,23 lần (1,23: 1); riêng ngành thương mại là 3,44 lần...

“Qua xem xét báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ của doanh nghiệp FDI một phần do chi phí tài chính (chi phí trả lãi tiền vay cho công ty mẹ ở nước ngoài) quá lớn, thậm chí có doanh nghiệp chi phí lãi vay lên đến vài nghìn tỷ đồng/năm)…”, ông Thi cho hay.

Điều tiết bằng công cụ thuế

Theo Bộ Tài chính, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước có quy định rõ ràng về chi phí lãi vay. Chẳng hạn, lãi phải trả đối với phần vốn vay nếu vượt quá tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu nhất định sẽ không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

OECD khuyến nghị áp dụng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 3:1. Trên thực tế, các nước như Đức, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan..., đều quy định rằng, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nếu vượt quá tỷ lệ 3:1 thì được coi là vốn mỏng.

Ở một số quốc gia còn quy định mức thấp hơn như: Canada là 2:1, Pháp và Mỹ là 1,5:1, tỷ lệ này ở Venezuela là 1:1. Có nơi tỷ lệ này còn phân biệt theo đối tượng.

Chẳng hạn, Trung Quốc quy định tỷ lệ 2:1 đối với doanh nghiệp thông thường, 5:1 đối với các tổ chức tài chính. Nga quy định tỷ lệ 3:1 đối với doanh nghiệp thông thường, tỷ lệ 12,5:1 đối với ngân hàng và các tổ chức tài chính. Hàn Quốc quy định tỷ lệ 3:1 nếu vay của các cổ đông nước ngoài và tỷ lệ 6:1 đối với các tổ chức tài chính…

Theo đó, phần lãi vay phải trả vượt quá tỷ lệ này được coi là “vốn mỏng”, nên không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không có quy định khống chế khoản chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu. Điều này khiến tình trạng “vốn mỏng” trở nên khá phổ biến, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay, trong khi vốn chủ sở hữu rất thấp.

Từ kinh nghiệm quốc tế, cũng như thực tiễn tại Việt Nam, trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan cho Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay không được tính trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Theo đó, không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) với các lĩnh vực còn lại. Một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng…, áp dụng tỷ lệ cao hơn: Không quá 12 lần vốn chủ sở hữu. Giải pháp này nhằm đảm bảo lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực ra, giải pháp này đã được nhà quản lý, cũng như các chuyên gia đề xuất cách đây vài năm, nhưng chưa được luật hóa. Với lần đề xuất này, nếu Dự thảo Luật được Quốc hội xem xét thông qua, thì lần đầu tiên Việt Nam sẽ áp dụng công cụ thuế để điều tiết tình trạng “vốn mỏng”.

Tin bài liên quan