Giai đoạn mới cần chính sách mới

(ĐTCK-online) Làm thế nào để phục hồi theo một chất lượng mới và phát triển thị trường nội địa một cách bền vững, mang tính chất dài hạn… chính là vấn đề kinh tế trọng tâm hiện nay.

Trên thị trường tiếp tục có thông tin về gói vốn kích cầu thứ hai sắp được triển khai, song thực tế chưa thấy có khẳng định nào từ phía Chính phủ. Và tôi cho rằng, không cần thiết phải có gói kích cầu thứ hai, nếu hiểu theo nghĩa tiếp tục hỗ trợ lãi suất (HTLS) tín dụng ngắn hạn. Được biết, Chính phủ đang xây dựng một chương trình tổng thể phục vụ cho nền kinh tế sau suy giảm có thể phục hồi bền vững, trong đó chắc chắn gồm nhiều giải pháp và không đơn thuần là cấp bù lãi suất. Bởi trong bối cảnh hiện nay, công cụ tiền tệ không còn phát huy tác dụng cao, mà phải sử dụng nhiều giải pháp khác.

Có thể kể đến gói giải pháp gồm 5 nhóm đã được thực hiện theo Nghị quyết 30 của Chính phủ đưa ra tháng 12/2008, gồm có giải quyết chính sách xã hội (trợ cấp người nghèo dịp Tết, cho DN vay vốn trả lương dịp Tết 2009…); tăng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, phát hành trái phiếu, chuyển nguồn vốn năm ngoái qua để đầu tư vào nông thôn, đầu tư vào hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện; vấn đề HTLS cũng được triển khai rất tốt. Chủ trương HTLS được chia làm 3 loại.

Cụ thể, với HTLS ngắn hạn VND theo Quyết định 131 hỗ trợ 4%/năm lãi suất cho DN. Trong đợt giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM tại khu vực này mới đây đã cho thấy rõ hiệu quả của nguồn vốn HTLS ngắn hạn đối với DN sử dụng cũng như thuận lợi cho các ngân hàng. Có DN, kể từ khi gói vốn HTLS kích cầu ngắn hạn triển khai tính đến nay đã được hưởng tiền trợ cấp lãi suất là 35 tỷ đồng và có DN tiếp cận được 27 lần vốn HTLS trong 6 tháng đầu năm 2009.

Tuy nhiên, với chủ trương HTLS trung - dài hạn theo Quyết định 443 thì hiệu quả còn thấp. Nguyên nhân là để tiếp cận nguồn vốn này nhằm đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc… thì DN phải có dự án và mục tiêu. Do đó, chỉ những đơn vị nào có sẵn kế hoạch mới tiếp cận được vốn, ngược lại sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, thời hạn cuối cùng để ngân hàng giải ngân vốn HTLS theo chủ trương này là cuối tháng 12/2009, cho dù việc trả nợ được kéo dài. Điều này sẽ tạo khó khăn cho các DN và chắc chắn số đông sẽ không tiếp cận kịp vốn vay HTLS trước khi thời hạn giải ngân kết thúc. Bởi để triển khai một dự án, phải mất khá nhiều thời gian, vì vậy cần nghiên cứu lại để có thể tạo điều kiện tốt hơn cho DN tiếp cận vốn vay HTLS trung - dài hạn.

Trong đó, yếu tố cần xem xét là đối tượng khách hàng và mức ưu đãi lãi suất phải khác nhau. Chẳng hạn, DN di dời, đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc - thiết bị, xây dựng sản phẩm - thương hiệu… cần được kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2010, thay vì chỉ đến cuối năm 2009. Mặt khác, mức lãi suất hỗ trợ cũng nên ưu tiên và áp dụng cho từng lĩnh vực, ngành nghề và đối tượng khách hàng khác nhau. Điều này đã và đang được TP. HCM thực hiện, tùy từng lĩnh vực. Vì vậy, ngay lúc này, cần có sự nghiên cứu lại nội dung, đối tượng, ngành nghề, phương thức HTLS để DN tổ chức lại sản xuất. Bởi gói HTLS trung - dài hạn là giúp DN phục hồi trên một nền tảng phát triển mới. Còn gói HTLS ngắn hạn chỉ mang tính chất sơ cứu, nên không thể kéo dài. 

Riêng đối với việc HTLS khu vực nông thôn trong thời gian trung - dài hạn, giúp nông dân vay vốn mua thiết bị, máy móc, nông cơ theo chủ trương tại Quyết định 497 thì hiện tác dụng còn rất thấp và hầu như không thực hiện được trên địa bàn TP. HCM. Hiện tất cả ngân hàng thương mại cổ phần tại TP. HCM chưa cho vay vốn theo chủ trương tại quyết định trên. Lý do rất đơn giải là quy định này không phù hợp với thực tế.

Thứ nhất là xác định nguồn gốc hàng hóa rất khó khăn. Trong khi đó, để đáp ứng điều kiện vay vốn, khách hàng phải mua các loại hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam. Mặt khác, yêu cầu đưa ra là DN bán hàng cho những người được HTLS phải đăng ký tại Sở Công Thương. Trong khi đó, DN bán hàng không đăng ký việc này, vì Nhà nước chỉ hỗ trợ cho người mua.

Chính những quy định còn bất cập trên đã làm giảm tác dụng tích cực của chủ trương HTLS trung - dài hạn và điều này đã được UBND TP. HCM kiến nghị với Chính phủ.

Vì vậy, nếu nói đến gói kích cầu thứ hai thì trước hết chúng ta phải nhìn nhận được sức khỏe của nền kinh tế. Hiện kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, do đó điều quan trọng nhất là làm sao giúp kinh tế phục hồi một cách bền vững. Tuy nhiên, phục hồi kinh tế bền vững ở đây không có nghĩa là phục hồi theo kiểu trước thời suy giảm, mà phải làm sao tổ chức lại một cách hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, khai thác thị trường nội địa. Với một nền kinh tế gia công, phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài, sản phẩm nội địa hóa rất thấp (chỉ trừ một số mặt hàng nông sản) như Việt Nam thì phải làm thế nào để phục hồi theo một chất lượng mới và phát triển thị trường nội địa một cách bền vững, mang tính chất dài hạn… chính là vấn đề kinh tế trọng tâm hiện nay.

Muốn được như vậy, chúng ta cần có các giải pháp khác ngoài việc HTLS kích cầu. Do đó, với gói vốn HTLS kích cầu VND ngắn hạn tại Quyết định 131 cần chấm dứt đúng như thời hạn đưa ra là cuối tháng 12/2009, vì càng kéo dài càng gây mất công bằng.

Cụ thể, tại khu vực TP. HCM, theo báo cáo, chỉ 8% số DN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 2% số hộ sản xuất - kinh doanh cá thể được trực tiếp vay vốn theo chủ trương HTLS ngắn hạn. Một phần do nhiều DN thấy thủ tục được hỗ trợ quá phiền hà, trong khi nhu cầu vốn chỉ trong thời gian ngắn hạn nên họ đành chấp nhận lãi vay cao để có tiền sớm. Thứ hai là không ít DN nằm ngoài danh sách không được HTLS, vì thiếu điều kiện về chuẩn tín dụng theo quy định của ngân hàng (nhưng không thể hạ chuẩn vì sẽ có nguy cơ tăng nợ xấu). Mặc dù tỷ lệ 8% DN tiếp cận vốn HTLS trên là rất quan trọng, vì các DN này nằm trong lĩnh vực rất quan trọng và sức lan tỏa lớn, nhưng theo tôi, sức lan tỏa này không thể kéo dài, bởi nó chỉ phát huy tác dụng được trong giai đoạn đầu, đúng như chủ trương sơ cứu ngắn hạn.