“Giấc mơ” nền sản xuất xơ sợi nội địa vốn đã rất gần

Đầu tư 7.000 tỷ đồng với kỳ vọng tự chủ được 40% nguồn cung xơ sợi, nhưng Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) đã chết yểu và để lại quả đắng cho nền kinh tế.     

Dự án đắt hơn nhiều suất đầu tư thông thường

Ngày 15/7/2007, PVN ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thành lập Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) để quản lý, đầu tư xây dựng Dự án Sản xuất xơ sợi Đình Vũ, có địa chỉ tại Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng).

Ngày 14/3/2008, PVTex chính thức hoạt động với số vốn điều lệ 160 tỷ đồng. Qua 3 lần tăng vốn điều lệ và thoái vốn của một số cổ đông, đến ngày 31/12/2014, vốn điều lệ của PVTex là 1.996 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2014, toàn bộ 100% vốn góp tại PVTex là của PVN và các đơn vị thành viên, gồm: Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, còn Vinatex đã thoái vốn.

“Giấc mơ” nền sản xuất xơ sợi nội địa vốn đã rất gần ảnh 1

Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đắp chiều vì hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách. Ảnh: Chí Cường 

Ngày 21/10/2008, Hội đồng Quản trị PVTex chính thức phê duyệt Dự án sản xuất xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 324,8 triệu USD, tương đương 5.400 tỷ đồng, tính theo tỷ giá năm 2008 (16.740 VND/USD). Trong đó, 30% số vốn đầu tư là của chủ sở hữu, 70% còn lại đi vay.

Dự án có công suất 500 tấn/ngày. Theo kế hoạch, Dự án có thời gian xây dựng không quá 25 tháng kể từ ngày khởi công 23/7/2009, đúng tiến độ phải hoàn thành vào ngày 23/8/2011, nhưng Dự án đã bị chậm tiến độ tới 726 ngày, mãi đến ngày 19/8/2013 mới nghiệm thu sơ bộ. Do thời gian chậm tiến độ tới 2 năm đã làm đội chi phí đầu tư (chi phí kéo dài chạy thử, lãi vay do chậm tiến độ…), nên Dự án sau khi đưa vào vận hành không có hiệu quả kinh tế, dù trước đó chủ đầu tư dự tính sẽ hoàn vốn sau thời gian 8 năm 8 tháng.

Trong quá trình triển khai đầu tư, PVTex đã điều chỉnh tổng mức đầu tư vào dự án này, tăng thêm 34 triệu USD so với dự kiến ban đầu, lên 359 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng). Thời gian thu hồi vốn Dự án lên tới 22 năm 10 tháng.

Sau khi Dự án đi vào vận hành, sản phẩm làm ra kém chất lượng, khách hàng không mặn mà, tồn kho lớn nên bị lỗ nặng nề. Ngoài nguyên nhân khách quan từ thị trường xơ sợi không thuận lợi, biến động giá nguyên, nhiên liệu, ảnh hưởng đến giá bán xơ sợi, vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh còn thiếu, lãi suất ngân hàng làm tăng chi phí sản xuất, Thanh tra Chính phủ khẳng định, nguyên nhân lớn là do những sai phạm chồng sai phạm của chủ đầu tư, PVN, Vinatex, PVTex trong cả quá trình đầu tư, vận hành Nhà máy.

Với thực trạng như nhà máy hiện tại, có chạy tới 30 năm cũng khó có lãi.

Tính từ năm 2012 đến 31/12/2014, lỗ lũy kế của Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ là 1.472 tỷ đồng, trong đó: năm 2012 lỗ 21,5 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366,2 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng.

Nhà máy đã phải đắp chiếu, không hoạt động từ năm 2015 và để lại gánh nặng tài chính khổng lồ cho nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho rằng, với công suất như trên, mà tổng mức đầu tư tới 7.000 tỷ đồng, đắt gấp đôi suất đầu tư thông thường thì lấy đâu ra hiệu quả. Chưa hết, việc chọn nhà thầu trong Dự án có vấn đề, do không phải tên tuổi có thế mạnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Giám đốc một doanh nghiệp thâm niên trong lĩnh vực sản xuất sợi cũng cho rằng, Dự án xơ sợi Đình Vũ chỉ cần đầu tư 3.500 - 4.000 tỷ đồng. Vị giám đốc này cũng khẳng định, với thực trạng như nhà máy hiện tại, có chạy tới 30 năm cũng khó có lãi.

Chồng chất sai phạm

Hàng loạt sai phạm, yếu kém, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ trong quá trình thanh tra Dự án này.

Theo quy định, PVTex phải tổ chức thẩm định hoặc thuê đơn vị tư vấn hoặc đơn vị có đủ điều kiện để thẩm định tổng mức đầu tư, nhưng PVTex đã không thực hiện mà phê duyệt tổng mức đầu tư trên cơ sở Nghị quyết 7856/NQ-HĐQT ngày 20/10/2008 của PVN.

Hậu quả là, phê duyệt thiếu chi phí vốn lưu động trong thời gian sản xuất thử và sản xuất không ổn định. Chưa hết, PVTex phê duyệt tăng tổng mức đầu tư không đúng với một số khoản chi phí với giá trị 38,7 triệu USD. Tính chi phí lãi vay sai cơ cấu tỷ lệ % vốn chủ sở hữu 30% và vốn vay 70%, dẫn đến tính sai tổng mức đầu tư với gần 6,4 triệu USD.

PVTex cũng tính toán một số chi phí khác không đúng theo quy định, dẫn đến tăng sai tổng mức đầu tư với giá trị 7,93 triệu USD.

Qua tổng hợp báo cáo của PVTex còn cho thấy, một số khoản thanh toán vượt giá trị tổng mức đầu tư, nhưng chưa được phê duyệt bổ sung, bao gồm chi phí đào tạo nhân lực 2,2 triệu USD, chi phí lãi vay gần 5,1 triệu USD, lỗ do chạy thử sản phẩm không đạt 35,7 triệu USD.

Kết quả thanh tra chỉ rõ, quá trình thực hiện đầu tư Dự án có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong phê duyệt tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu... gây thất thoát, lãng phí lớn.

Trước hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, điều tra và xử lý những sai phạm có dấu hiệu cố ý làm trái, gây thất thoát, lãng phí lớn tại Dự án xơ sợi Đình Vũ.

Việc Dự án không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, nguyên nhân chủ yếu là do công tác chỉ đạo, giám sát hoạt động của PVN, Vinatex với vai trò đại diện chủ sở hữu vốn, đại diện vốn tại PVTex chưa kịp thời, thường xuyên, có nhiều thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện… dẫn đến chi phí tăng cao, suất đầu tư lớn.

Đặc biệt, Vinatex là tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may, một trong những cổ đông sáng lập Dự án, nhưng Vinatex đã không thực hiện trách nhiệm của cổ đông, thiếu trách nhiệm trong việc góp vốn điều lệ; không thực hiện trách nhiệm của cổ đông mà ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư Dự án.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công thương, PVN và Vinatex vì đã thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý nhà nước, trong việc góp vốn, nhận góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.

Tin bài liên quan