Giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, tồn tại, thất thoát tài sản nhà nước đối với hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Theo ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), tất cả tồn tại, hạn chế, thất thoát tài sản nhà nước đối với hình thức đầu tư BT sẽ chấm dứt khi triển khai Nghị định 69/2019/NĐ-CP từ ngày 1/10/2019.

Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 7 dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT, đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng. Trước đó, năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng đối với 30 dự án BT. Vì sao không chấm dứt hình thức đầu tư này, thưa ông?

BT là đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Đây là hợp đồng được ký giữa Nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác.

Giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu ảnh 1

Ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính).

Hình thức đầu tư BT được áp dụng tại Việt Nam từ khoảng 15-17 năm nay. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định về việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công bao gồm quỹ đất; nhà, đất và tài sản gắn liền với đất; kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác nhằm tạo lập nguồn tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có quy định cụ thể về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT.

BT và BOT là 2 hình thức đầu tư PPP phổ biến nhất đang được các nước trên thế giới sử dụng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, 2 hình thức này đúng là đã bộc lộ không ít hạn chế, nhưng cũng không thể phủ nhận đóng góp của 2 hình thức này trong phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cộng đồng. Vì vậy, không nên chấm dứt hình thức đầu tư BT cũng như các hình thức đầu tư PPP khác.

BT nói nôm na là “đổi đất lấy công trình”. Thưa ông, sao không tổ chức đấu giáđất lấy tiền thanh toán cho dự án, công trình. Như vậy sẽ minh bạch hơn, hiệu quả hơn và đặc biệt là chống được thất thoát tài sản nhà nước?

Nếu tổ chức bán đấu giá tài sản công, trong đó có đất đai, lấy nguồn thanh toán cho nhà đầu tư xây dựng dự án, công trình, thì không phải là hình thức đầu tư BT nữa, mà thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Việt Nam đang hoàn thiện quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả đầu tư BT. Trước mắt, kể từ ngày 1/10/2019, sẽ thực hiện Nghị định 69/2019/NĐ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

Để hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP, Chính phủ đã xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức PPP, nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về huy động các nguồn lực khu vực tư cho đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; luật hóa trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhà đầu tư để bảo đảm minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người dân.

Ông có tin rằng, Nghị định 69/2019/NĐ-CP sẽ chấm dứt được hàng loạt tồn tại, hạn chế, đặc biệt là thất thoát tài sản nhà nước với dự án BT?

Chắc chắn, vì Nghị định đã quy định cụ thể việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT, như phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi; sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá; giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường; giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

Trước đây, không quy định nguyên tắc ngang giá, giá thị trường, nên có khi dự án BT trị giá vài trăm tỷ đồng, nhưng lại được thanh toán mảnh đất trị giá gấp nhiều lần. Dù phần chênh lệch giữa giá trị đất và giá trị dự án được nộp vào ngân sách nhà nước, nhưng thất thoát, lãng phí đất đai cũng từ đây mà ra. Bây giờ quy định nguyên tắc ngang giá, tức là giá trị dự án BT phải tương đương giá trị tài sản đất thanh toán…

Giá trị đất đai để thanh toán cho dự án BT được xác định theo giá thị trường, nhưng thưa ông, nếu không đấu giá đất thì đây có phải là kẽ hở dẫn đến thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước?

Mọi người cứ nghĩ phải đấu giá đất mới xác định được giá thị trường. Điều này không sai, nếu cuộc đấu giá công khai, minh bạch và có nhiều nhà đầu tư tham gia. Nhưng trong trường hợp chỉ có vài nhà đầu tư tham gia đấu giá, đặc biệt nếu có tình trạng “quân xanh - quân đỏ”, đấu giá hình thức, thì tài sản nhà nước vẫn thất thoát.

Đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư không đấu giá, nhưng vẫn xác định được giá thị trường. Cụ thể, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác định giá đất phải thực hiện một hoặc nhiều phương pháp xác định giá đất phổ biến hiện nay là phương pháp so sánh trực tiếp; chiết trừ; thu nhập; thặng dư; và phương pháp hệ số điều chỉnh. Diện tích đất để đem thanh toán cho dự án BT phù hợp với phương pháp xác định giá nào thì ưu tiên áp dụng phương pháp đó.

Nguồn thu từ đất thuộc ngân sách địa phương. Ông có lo ngại các địa phương sẽ “rộng tay” đổi đất lấy công trình?

Nguồn thu từ đất đai thuộc ngân sách địa phương, nhưng không phải địa phương muốn cắt mảnh đất nào để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT cũng được. Quỹ đất dùng để thanh toán phải thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước phê duyệt; việc thu hồi đất đổi đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp sử dụng quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đất đai và trụ sở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang… gắn liền với đất để thanh toán cho dự án BT chỉ được thực hiện khi được Thủ tướng quyết định.

Tin bài liên quan