Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho rằng, để tư nhân tham gia dự án truyền tải phải có cơ chế rõ ràng về vận hành, cần sự ưu đãi về giá...

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho rằng, để tư nhân tham gia dự án truyền tải phải có cơ chế rõ ràng về vận hành, cần sự ưu đãi về giá...

Giá nào để hút vốn tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch?

0:00 / 0:00
0:00
Chính sách quan trọng nhất để thu hút đầu tư tư nhân là giá nào, khi nhà đầu tư thấy mức giá bảo đảm thu lại được chi phí bỏ ra và có lợi nhuận thì không lo thiếu điện.

Tại Tọa đàm trực tuyến Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch” được tổ chức chiều 10/7, các doanh nghiệp tư nhân đều bày tỏ mong đợi những cơ chế cụ thể về xóa bỏ độc quyền và rào cản để tư nhân tham gia vào đầu tư mảng năng lượng, trong đó có truyền tải.

Hút vốn tư nhân bằng chính sách giá

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển ngành năng lượng – là một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước và Nghị quyết 55 đã thể hiện rõ điều này.

Ở khía cạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài cho phát triển điện lực, đặc biệt là thời gian qua những đóng góp của khu vực ngoài nhà trong phát triển ngành điện là rất đáng kể, theo ông Tuấn Anh.

Điển hình là một loạt các dự án nguồn điện lớn được đầu tư theo hình thức BOT. Đây là những dự án nguồn điện rất lớn, quan trọng và đã được các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước (các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân...) tiến hành đầu tư.

Việc đầu tư vào các dự án như vậy giảm áp lực, giảm gánh nặng trong việc thu xếp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư cho cung cấp điện phát triển kinh tế - xã hội.

"Tôi cho rằng, từ kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian vừa qua, thì chính sách quan trọng nhất là giá nào để thu hút đầu tư tư nhân. Khi nhà đầu tư thấy mức giá bảo đảm thu lại được chi phí bỏ ra và có lợi nhuận thì họ sẽ đầu tư", Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thời gian qua, Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời và điện gió đều thông qua mức giá cố định, cơ chế giá cố định. Cơ chế chính sách đề ra đối với giá cố định rất phù hợp với tất cả các quốc gia mới phát triển, khi thị trường năng lượng tái tạo còn đang rất “non trẻ”.

Bộ Công thương cũng đã tính toán mức giá cho các dự án năng lượng tái tạo trên cơ sở sự hỗ trợ của tư vấn quốc tế, tính toán đầy đủ các chi phí để phát triển các loại hình năng lượng tái tạo khác nhau; trong đó bao gồm cả chi phí đầu tư, chi phí quản lý vận hành, thậm chí cả chi phí vốn. Từ đó, xác định một mức lợi nhuận hợp lý cho các nhà đầu tư.

Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhận định, thời gian qua ngành năng lượng Việt Nam có bước phát triển khá mạnh mẽ, tương đối đồng bộ trên các phân ngành.

Tuy nhiên, Nghị quyết 55 cũng nhận định, ngành năng lượng đang phải đối mặt với thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng, và một trong những thách thức là Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc lớn vào nhiên liệu nhập khẩu.

Theo tính toán, hiện nay tổng giá trị phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu là khoảng 18-20%. Nếu không có chính sách thì rõ ràng là với nguồn năng lượng sơ cấp dần dần trong nước sản xuất được cũng hạn chế, thì trong tương lai việc phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng tăng. Đây là vấn đề lớn ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Xóa bỏ độc quyền, "trảm" rào cản

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam khẳng định, Nghị quyết 55 xoay quanh vấn đề năng lượng trong đó có hai điểm mà những đơn vị tư nhân như Tập đoàn Trung Nam rất mong đợi, đó là khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia vào việc làm năng lượng và xóa bỏ độc quyền, rào cản để tư nhân tham gia vào mảng năng lượng, trong đó có truyền tải. 

Để truyền tải đường dây xuyên quốc gia với tư nhân phải nói là việc quá lớn. Ông Tiến cho rằng, truyền tải trong phạm vi hẹp là tư nhân có thể tham gia, nhưng để tham gia phải vừa có Quy hoạch, vừa phải có giá tốt của Chính phủ để khuyến khích nhà đầu tư…

Như vậy, cần có cơ chế giá để họ phải bỏ vốn và mời gọi ngân hàng tài trợ. Ngân hàng tài trợ thì đòi hỏi phải có đầu ra tài chính. Ở đây đầu ra chưa có thì làm sao làm được. 

"Nói về vấn đề an ninh năng lượng, tư nhân đầu tư xây dựng thì không liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, nhưng vấn đề ở đây là để vận hành được bảo đảm xuyên suốt. Do đó, phải có cơ chế vận hành như thế nào, thuê lại như thế nào, cho phép anh truyền tải 1KW như thế nào… Bộ Công thương, EVN phải có cơ chế thúc đẩy việc này, dù biết rằng đây không phải việc một sớm một chiều. Nếu không Nghị quyết ra cũng để đó", ông Nguyễn Tâm Tiến băn khoăn.

Chứng minh cho việc tư nhân đầu tư năng lượng sẽ giảm tải đáng kể về an ninh năng lượng, theo Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn được Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép đầu từ vào trạm biến áp và truyền tải 500kV, là trạm và đường dây truyền tải trong pham vi hẹp khoảng 6.000MW nhằm giảm tải cho các máy phát điện khoảng 50%.

Với dự án này, xét về mặt lợi ích khi tư nhân thực hiện dự án này thì tất cả đều có lợi. Cụ thể, Nhà nước, tỉnh không phải bỏ tiền đầu tư; Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thêm tài sản, giải tỏa được công suất; Trung Nam bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, người dân cũng được hưởng lợi khi có hệ thống truyển tải ổn định.

Nghị quyết 55 cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém của ngành năng lượng, đó là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế. Chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội…

Tin bài liên quan