TS.Vũ Thành Tự Anh

TS.Vũ Thành Tự Anh

Ghìm cương lạm phát phải đi chắc “hai chân”

(ĐTCK-online) Các chỉ số kinh tế vĩ mô trong năm 2009 như: tăng trưởng tín dụng, cung tiền cao; nhập siêu lớn; thâm hụt ngân sách ở mức cao… là những nhân tố mà theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, sẽ cộng hưởng với diễn biến kinh tế cả trong và ngoài nước những tháng đầu năm 2010 khá phức tạp, làm tăng nguy cơ tái lạm phát xuất hiện, đe doạ ổn định kinh tế vĩ mô trong năm nay. Để hoá giải tình trạng này phải đi chắc “hai chân”, đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ.

Về chính sách tài khoá, theo ông nên tập trung vào những ưu tiên nào?

Chính phủ cần tập trung cải thiện, đảm bảo tính bền vững của không gian tài khoá cho năm nay, cũng như cả trong trung và dài hạn bằng cách thắt chặt chính sách tài khoá đi kèm với tăng hiệu quả của chi ngân sách. Đây là biện pháp quan trọng để giảm sức ép đối với CPI và giảm rủi ro khi có những biến động từ bên ngoài tác động vào nền kinh tế. Đặc biệt, với một nước áp dụng chế độ tỷ giá gần như cố định và không gian chính sách tiền tệ hạn chế như Việt Nam, thì việc điều hành chính sách tài khoá lại càng có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, cũng như trong nỗ lực ổn định vĩ mô nói chung. Năm nay, Chính phủ nên quyết liệt hơn trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư lớn, để sớm đưa vào sử dụng, giúp ích cho sự tăng trưởng kinh tế… Vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá lớn, nên chính sách tài khoá phải gắn rất chặt với diễn biến kinh tế thế giới. Chính sách này nên hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng cần điều chỉnh linh hoạt dựa trên theo dõi sát các biến số kinh tế. Chẳng hạn như đầu tư của tư nhân, nếu nhận thấy tăng, Nhà nước nên giảm đầu tư công, để vừa hạn chế chi tiêu ngân sách, vừa hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực này.

 

Ông vừa nhắc đến việc nên giảm đầu tư công để hạn chế bội chi ngân sách. Điều này có hàm ý nỗ lực thực thi chính sách tài khoá sẽ khó mang lại hiệu quả cao một khi tình trạng thâm hụt ngân sách cao vẫn tiếp diễn?

Điều quan trọng là cần có phương án đưa thâm hụt ngân sách, trong đó gồm cả thâm hụt ngoài ngân sách trở lại mức an toàn, để vừa giảm áp lực cho chính sách tiền tệ, vừa khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách đang rất cao. Muốn đạt mục tiêu này, việc điều hành chính sách tài khoá phải tuân theo nguyên tắc là các giải pháp kích thích kinh tế không được gây ảnh hưởng lâu dài tới cán cân ngân sách. Điều này có nghĩa là trong ngắn hạn, phải chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng cao để đối phó với khủng hoảng kinh tế, nhưng Chính phủ cần có biện pháp giảm tình trạng này trong trung và dài hạn khi tình hình kinh tế được cải thiện.

 

Để cùng hỗ trợ chính sách tài khoá chủ động ngăn ngừa lạm phát cao tái xuất hiện, theo ông việc điều hành chính sách tiền tệ nên đi theo lựa chọn nào?

Cũng như chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ cũng có độ trễ, ở Việt Nam thường từ 5 - 7 tháng. Nếu dự báo lạm phát cao có thể tái xuất hiện trong những tháng tới, thì phải hành động ngay bây giờ, chứ không phải khi có dấu hiệu rõ rệt về lạm phát mới hành động. Muốn chủ động phòng ngừa lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, nhằm kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng và cung tiền. Để giảm căng thẳng tỷ giá USD/VND, việc chấm dứt hỗ trợ lãi suất 4% là một chính sách hợp lý, bởi bên cạnh tác động thắt chặt tín dụng, nó còn khuyến khích các DN có USD chuyển một phần dự trữ USD sang VND, để đáp ứng các nhu cầu vốn lưu động. Việc tác động tới kỳ vọng của thị trường thông qua từng bước điều chỉnh tỷ giá USD/VND sẽ đóng vai trò quan trọng trong cân đối lại danh mục nắm giữ tiền của người dân và DN. Tuy việc điều chỉnh tỷ giá có thể làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài, đặc biệt là đối với các DNNN, nhưng chính sách này là cần thiết vì lợi ích toàn cục của nền kinh tế. Hơn nữa, việc điều chỉnh tỷ giá cũng phát đi tín hiệu buộc các DNNN phải thận trọng hơn khi vay USD.

 

Ông có cho rằng sự đúng đắn của chính sách vĩ mô chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ để có thể ổn định kinh tế là cơ quan quản lý phải tạo được niềm tin cho các tác nhân trên thị trường?

Đúng vậy, thực tế chứng minh sự thành công của chính sách vĩ mô phụ thuộc không chỉ vào sự đúng đắn của chính sách, mà còn bị chi phối rất nhiều vào niềm tin của các tác nhân thị trường với cơ quan quản lý vĩ mô. Khi các cơ quan này có được niềm tin của thị trường đồng nghĩa với việc hiệu lực của các chính sách vĩ mô trở nên rõ ràng hơn. Muốn vậy, một thái độ thực sự cầu thị, cùng hệ thống chính sách đúng đắn, nhất quán và một cơ chế giao tiếp thông tin chính xác, kịp thời với người dân, DN, thị trường là những điều kiện tiên quyết.