GDP tăng cao nhất trong 11 năm, bệ đỡ cho triển vọng 2019

GDP tăng cao nhất trong 11 năm, bệ đỡ cho triển vọng 2019

(ĐTCK) Mức tăng GDP cao nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây cùng nhiều bước tiến tích cực trong các lĩnh vực trọng yếu đã tạo nên bức tranh kinh tế 2018 tươi sáng. Đây là nền tảng vững vàng cho năm 2019 đột phá trong hành trình đưa kinh tế về đích giai đoạn 2016 - 2020.  

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, nền kinh tế trong năm 2018 khởi sắc trên hầu hết các khu vực sản xuất trọng yếu, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, mức tăng cao nhất trong vòng 11 năm qua. Nền kinh tế được cải thiện mạnh mẽ về nội hàm, với chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh.

Nhiều điểm sáng kinh tế cùng được ghi nhận, trong đó đáng chú ý, cán cân thương mại xuất siêu 7,2 tỷ USD, thể hiện xu thế tăng trưởng xuất khẩu vững vàng của các ngành chủ lực như chế biến chế tạo, dệt may, giày dép, gỗ... Ðặc biệt, hoạt động thu hút vốn FDI lập đỉnh mới với tổng vốn giải ngân tăng 9,1% so với cùng kỳ, dù vốn đăng ký có giảm.

Với bức tranh tăng trưởng khá trọn vẹn này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, bên cạnh những kỷ lục về con số thì yếu tố quan trọng nhất là năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đã tạo dựng các động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 và các năm tiếp theo.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế, mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng trong thời gian tới.

“Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đã có những chuyển đổi lớn về cơ cấu, giúp tăng mạnh về giá trị gia tăng 3 - 5 lần. Ðặc biệt, lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2019 với sự hỗ trợ tích cực của khu vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt là từ các tập đoàn kinh tế lớn, có chuỗi giá trị toàn cầu như Samsung, LG, Formosa, Toyota…”, ông Lâm phân tích.

Nhiều năng lực sản xuất mới dự báo sẽ được bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019. Năm nay, bên cạnh hơn 3 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở và trung tâm thương mại, nhiều dự án, công trình lớn sẽ đi vào sản xuất - kinh doanh như Tổ hợp Nhà máy Vinfast tại Hải Phòng với công suất 250.000 xe/năm; dự án đầu tư công trình Nhà máy điện sông Hậu tỉnh Hậu Giang có công suất 1.200 MW; dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với chiều dài 63,9 km; công trình đường cao tốc La Sơn - Túy Loan tại Thừa Thiên - Huế với chiều dài 78 km...

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy chế biến thực phẩm dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019 và hàng loạt công trình, dự án khác sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2019.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức không nhỏ, đó là biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới cũng như những vấn đề nội tại. Ðể đảm bảo đà tăng trưởng tích cực, rất cần có những giải pháp mang tính đột phá từ cả cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

FDI sẽ lập đỉnh mới

Những ngày cuối năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới với tổng giá trị vốn đăng ký tương đương gần 1,3 tỷ USD.

Trong dòng chảy tích cực này, hàng loạt dự án đầu tư rục rịch vào Khu công nghiệp Thăng Long 3 của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) chỉ trong vòng chưa đầy một tháng sau khi giai đoạn 1 Khu công nghiệp được khánh thành. “Mở hàng” cho khu công nghiệp này là Công ty TNHH Tsuchya TSCO thuộc Tập đoàn Tsuchya TSCO (Nhật Bản), với việc khánh thành nhà máy chuyên sản xuất các loại linh phụ kiện ô tô (ô cửa sổ, nhãn mác ô tô, băng keo công nghiệp...) có tổng vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD.

“Đây là nhà máy đầu tiên trong 8 dự án đang khởi động đầu tư vào Khu công nghiệp Thăng Long 3 với tổng vốn đầu tư vào khoảng 250 triệu USD. Dự kiến, đến tháng 6/2019, khu công nghiệp này sẽ được lấp đầy giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sau khi hoàn thành nâng tổng diện tích khu công nghiệp lên trên 213 ha, thu hút khoảng 80 dự án đầu tư chủ yếu tới từ Nhật Bản, với tổng quy mô vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD” , ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.

Câu chuyện của Vĩnh Phúc là sự mở đầu đầy hứng khởi cho hoạt động thu hút vốn FDI được dự báo sẽ là 1 trong những điểm đột phá trong năm 2019, trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực của năm 2018.

Tin bài liên quan