Ông Vũ Đăng Minh. Ảnh: Moha.

Ông Vũ Đăng Minh. Ảnh: Moha.

Dừng sáp nhập sở ngành để 'chờ quy định thống nhất'

Sau khi một số tỉnh sáp nhập cơ quan chuyên môn để tinh gọn bộ máy, Bộ Nội vụ quyết định tạm dừng để "tránh xáo trộn".

Tại cuộc họp báo chiều 9/1, ông Vũ Đăng Minh - Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tháng 12/2018 đơn vị này có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành) và cấp huyện (phòng, ban).

Việc tạm dừng này là để đợi nghị định mới của Chính phủ, bởi Bộ Nội vụ đã xây dựng hai dự thảo tương ứng với cấp huyện, tỉnh về vấn đề này. 

Hai dự thảo đã được trình Chính phủ và báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến về số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa... ở địa phương. Đây là các nghị định làm cơ sở để địa phương sắp xếp cơ quan chuyên môn theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

"Khi chưa có quy định thống nhất thì tạm dừng sáp nhập để tránh gây xáo trộn chứ không phải Bộ Nội vụ chùn bước, rút lại đề xuất", ông Minh nói. 

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ ra văn bản tạm dừng sáp nhập sở, ngành, phòng, ban ở các địa phương. Chỉ đạo này xuất phát từ việc khi Bộ Nội vụ đang dự thảo nghị định về việc sáp nhập để trình Chính phủ thì một số địa phương đã tiến hành hợp nhất các sở, ngành. Có địa phương thực hiện theo nội dung dự thảo nghị định, nhưng có nơi thực hiện theo tiêu chí riêng dẫn đến không thống nhất.

Lào Cai là địa phương đầu tiên hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng tháng 7/2018. Tiếp đó, Hà Giang hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và Sở Nội vụ; Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ và Thanh tra; Đảng bộ khối doanh nghiệp và Đảng bộ khối cơ quan tỉnh vào tháng 9/2018. Một tháng sau, Hải Phòng hợp nhất một số cơ quan Đảng và chính quyền cấp huyện. 

Xe biển xanh đón vợ Bộ trưởng là "vi phạm quy định"

Cũng tại cuộc họp báo, trước câu hỏi về trách nhiệm nêu gương và văn hoá công vụ trong sự việc xe biển xanh vào đón người thân Bộ trưởng ở sân bay, ông Vũ Đăng Minh cho rằng "việc này vi phạm quy định của Đảng và Luật Cán bộ công chức. Đây là sơ suất, có thể do người tham mưu chưa suy nghĩ chín chắn. Chưa thể khẳng định là nịnh bợ lấy lòng cấp trên".

Khoảng một tuần trước, Văn phòng Bộ Công Thương gửi công văn đề nghị Cảng vụ hàng không miền Bắc tạo điều kiện đón Bộ trưởng Trần Tuấn Anh công tác về. Ngày 4/1, ôtô biển xanh của Bộ Công Thương vào đón khách tại sân đỗ máy bay tại Nội Bài. Tuy nhiên nguồn tin cho biết, người được đón hôm đó là vợ ông Trần Tuấn Anh. Ngày 8/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gửi thư xin lỗi đến công luận.

Sự việc xảy ra sau khi Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án công vụ, trong đó "nghiêm cấm công chức nịnh bợ cấp trên vì động cơ không trong sáng".

Điểm 8, Điều 3 Quy định trách nhiệm nêu gương nêu, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Chống để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Đề án Công vụ vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt quy định, đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Tin bài liên quan