Khởi công Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh), với vốn đầu tư 11.195 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Sơn

Khởi công Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh), với vốn đầu tư 11.195 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Sơn

“Đừng để tiền nằm im một chỗ”

Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa nhấn mạnh rằng, “đừng để tiền nằm im một chỗ”, khi nói về sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công. Đây lẽ ra phải là một giải pháp cần quyết liệt thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cú “lột xác” của doanh nghiệp tư nhân và nỗi lo “tiền nằm im”

Ngày 2/4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2019. Tại phiên họp này, cùng với việc nhấn mạnh Chính phủ “kiên định với các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra 6 động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019. Một trong số đó là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

“Mỗi bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải xử lý quyết liệt, hiệu quả, nhất là với các công trình trọng điểm”, Thủ tướng chỉ đạo, đồng thời nhấn mạnh: “Đừng để tiền nằm im một chỗ”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước thực hiện trong quý I/2019 ước đạt 50.800 tỷ đồng, bằng 14,7% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với quý I/2018 (cùng kỳ năm trước bằng 14% và tăng 10,3%); giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước ước đạt 46.700 tỷ đồng, đạt 11,21% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 8,83% và 9,19%).   

Đó là vì Thủ tướng sốt ruột trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mặc dù theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình đã được cải thiện so với cùng kỳ. Con số của 3 tháng đầu năm nay là khoảng 359.200 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018. “Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, riêng vốn nước ngoài giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Sẽ sốt ruột hơn nữa, nếu như nhìn vào các số liệu được cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư. Sau 3 tháng, nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân là… 0%. Rất nhiều bộ, ngành, địa phương chưa cập nhật thông tin trên Cổng thông tin, mà lẽ ra, việc này phải làm thường xuyên.

Nguyên nhân được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra khá nhiều, trong đó có yếu tố là những tháng đầu năm, lại trùng hai kỳ nghỉ Tết, các bộ, ngành, địa phương mới chỉ tập trung giải ngân nốt phần vốn của năm 2018. Nhưng dù là nguyên nhân gì, chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công là thật. Hơn nữa, quan trọng là, tình trạng này không phải bây giờ mới có. Năm ngoái, năm kia…, Chính phủ cũng rất sốt ruột trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, chỉ sau phiên họp Chính phủ một ngày, tức là ngày 3/4, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Sun Group) đã chính thức khởi công Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, vốn đầu tư 11.195 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2021, tuyến đường này sẽ được đưa vào khai thác, thu phí trong 19 năm, sau đó chuyển giao cho Nhà nước quản lý.

Cuối năm ngoái, cũng chính Sun Group đưa vào vận hành sân bay Vân Đồn, vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng, chỉ sau một thời gian xây dựng khá ngắn. Vào thời điểm đó, dự án này, cùng với Dự án Vinfast của Vingroup gần như đã trở thành biểu tượng cho thấy “sự lột xác” của doanh nghiệp tư nhân Việt.

Hai hình ảnh có vẻ trái ngược này phần nào đã cho thấy những thách thức của kinh tế Việt Nam hiện nay.

Làm sao để thúc đẩy tăng trưởng?

Câu trả lời, tất nhiên phụ thuộc vào 6 động lực tăng trưởng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra. Ngoài thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, còn có tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; tăng cường tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy công nghiệp chế biến - chế tạo; đẩy mạnh phát triển dịch vụ; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là một số vướng mắc về thể chế đang ảnh hưởng đến sự phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…

Không quá khó để nhận ra rằng, bóng dáng của doanh nghiệp tư nhân trong các động lực tăng trưởng này là rất lớn. Thủ tướng chỉ đạo “không để tiền nằm im” đối với vốn đầu tư công, nhưng thực ra cũng có ý nghĩa đối với cả khu vực tư nhân. Phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để người dân, doanh nghiệp cũng “không để tiền nằm im”, mà dốc vốn vào sản xuất - kinh doanh.

Trong Chỉ thị số 09/CT-TTg mà Chính phủ vừa ban hành cũng đã nhấn mạnh rằng, phải “cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển”, coi đây như một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Liên quan vấn đề này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khi công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực châu Á vào sáng 3/4, cũng đã nhấn mạnh rằng, “động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân”.

Báo cáo này cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hội nhập các doanh nghiệp tư nhân vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ADB, đây vốn là một trong những thách thức chính sách quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Trong khi đó, để “tiền không nằm im một chỗ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phân loại, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng tình hình chậm trễ, tạm dừng các dự án đầu tư chậm triển khai, có biện pháp, đề xuất với Thủ tướng, nhất là các dự án ở TP.HCM, Hà Nội.

Thậm chí, theo chỉ đạo của Thủ tướng, ở Trung ương, phải có bảng phân công chỉ đạo một số công trình trọng điểm; còn ở địa phương, bí thư, chủ tịch trực tiếp chỉ đạo một số công trình trọng điểm thuộc địa phương mình, để tránh tình trạng “đổ qua đổ lại”.

Tin bài liên quan