Áp dụng cơ giới - tự động hóa và quản trị dựa trên nền tảng số hóa 4.0, theo chuỗi giá trị khép kín và chuyên biệt cho các loại nông sản là tầm nhìn mới của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Áp dụng cơ giới - tự động hóa và quản trị dựa trên nền tảng số hóa 4.0, theo chuỗi giá trị khép kín và chuyên biệt cho các loại nông sản là tầm nhìn mới của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đưa nông nghiệp sản xuất theo hướng công nghiệp

Kế hoạch đầu tư 7.800 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng đồng bằng Bắc Bộ tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) mà Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa công bố đã gây sự chú ý và thú vị cho những người quan tâm.

Sự chú ý ở đây không chỉ bởi Trường Hải là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư dự án nông nghiệp quy mô, mà còn bởi điểm khác biệt lớn nhất là Thaco và doanh nhân Trần Bá Dương đã bước vào lĩnh vực nông nghiệp sau khi thành danh trong sản xuất công nghiệp.

Có lẽ tư duy, kỹ năng quản trị trong sản xuất công nghiệp đã được Thaco áp dụng khi xây dựng Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khu công nghiệp này chỉ rộng 250 ha, nhưng ngay từ đầu, Thaco đã xác định rõ các phân khu chức năng.

Thaco còn thành lập Công ty Đầu tư khu công nghiệp và sẽ triển khai thành lập Công ty Sản xuất, chế biến nhằm cung ứng giống, vật tư, giải pháp canh tác, thu hoạch, chế biến bao tiêu sản phẩm…

Đầu tư vào nông nghiệp - một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước - dù có sự bứt tốc trong những năm qua, song vẫn còn nhiều hạn chế khi lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực này tính đến cuối năm 2018 chỉ chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp mới chiếm 15% tổng số doanh nghiệp của cả nước, trong đó chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Có lẽ, với dự án của mình, ông Dương kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng an toàn, có tính ổn định và đảm bảo tính cạnh tranh.

Dựa trên những nguồn lực tích lũy được từ qua trình phát triển ở một lĩnh vực rất cơ bản của ngành công nghiệp như cơ khí, Thaco cũng đã đặt lên vai mình trách nhiệm tham gia góp phần thay đổi và phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam với tầm nhìn mới, áp dụng cơ giới - tự động hóa và quản trị dựa trên nền tảng số hóa 4.0, theo chuỗi giá trị khép kín và chuyên biệt cho các loại nông sản.

Người ta vẫn chưa quên, điều khiến doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, người đứng đầu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chọn ông Dương là người đồng hành để vượt khó và phát triển dự án nông nghiệp quy mô 84.000 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia chính là kỹ năng quản trị bên cạnh nguồn tài chính sẵn có.

Với khối tài sản hơn 53.000 tỷ đồng và công ăn việc làm của khoảng 30.000 con người, Hoàng Anh Gia Lai chắc hẳn đã “đãi cát rất kỹ để tìm vàng” nhằm chọn ra người tri kỷ, trao gửi tâm huyết của mình.

Thực tế, Thaco đã đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai gần 10.000 tỷ đồng trong khoảng 1 năm qua để tái cơ cấu nợ, hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất từ làm đất, chăm sóc, thu hoạch… đến hệ thống logistics. Thaco còn đầu tư hai khu công nghiệp chuyên về nông, lâm nghiệp tại Chu Lai và Đông Nam Bộ, đồng thời dốc sức xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường xuất khẩu. Điều đó cho thấy thế mạnh về tài chính, cùng tư duy khác biệt của Thaco khi áp dụng vào lĩnh vực kém thế hơn là nông nghiệp.

Không chỉ mang ý nghĩa với bản thân doanh nghiệp khi đa dạng ngành nghề hoạt động, Dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng đồng bằng Bắc Bộ của Thaco còn góp phần thay đổi quan hệ sản xuất, tạo nền tảng để ngành nông nghiệp khu vực này phát triển phù hợp với xu thế mới, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.

Dự án này còn cho thấy tính tiên phong và tư duy đột phá về tích tụ ruộng đất trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, giúp nông dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Theo đó, đích đến không chỉ là “cơm no, áo ấm”, là “giàu mạnh cùng nông nghiệp”, mà cao hơn, như lời Thủ tướng phát biểu tại lễ công bố Dự án của Thaco sáng 14/2, thì nông nghiệp còn là “nền tảng thể chế trên con đường phát triển XHCN vì một Việt Nam độc lập, tự cường, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau”.

Lẽ dĩ nhiên, điều này không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của doanh nghiệp, vào quyết sách lớn của Chính phủ, mà còn cần tư duy mới mang tính đột phá khi xây dựng chính sách liên quan tới vấn đề hạn điền, tới vấn đề huy động vốn đầu tư trong nước và nước ngoài…

Khi đó, Việt Nam mới có thể hình thành một một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tin bài liên quan