Dự thảo Nghị định kinh doanh vận tải bằng ô tô: Càng sửa, càng bất cập

Dự thảo Nghị định kinh doanh vận tải bằng ô tô: Càng sửa, càng bất cập

(ĐTCK) Dù đã có những tiếp thu, sửa đổi, nhưng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ vẫn gây ra nhiều băn khoăn, lo ngại cho doanh nghiệp (DN).

Yêu cầu lắp đặt camera quan sát trên xe để kiểm soát hoạt động của ô tô và lái xe là một trong những quy định như vậy.

Đồng tình với quan điểm cần có camera quan sát để kiểm soát các lái xe phải chấp hành đúng các quy định về vận tải như chở đúng số lượng, đảm bảo an toàn vận hành..., nhưng nhiều DN cho rằng, quy định này chỉ nên áp dụng với xe khách đường dài có thời gian chạy liên tục trên 4 tiếng, chứ không nên áp dụng đại trà.

“Cơ quan nhà nước cần tính toán bài toán lợi ích và chi phí của xã hội, cũng như DN khi đưa ra yêu cầu này, bởi hiện nay, nếu bắt buộc phải lắp thêm thiết bị này một cách đại trà thì DN sẽ phải mất thêm một khoản chi phí không nhỏ cho việc lắp đặt thiết bị và bảo trì, bảo dưỡng hàng năm”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh dẫn ý kiến góp ý của các DN vận tải.

Theo ông Thanh, trên thực tế, không cần cơ quan quản lý quy định thì bản thân DN kinh doanh vận tải đã tự lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để giám sát, quản lý lái xe và vận hành xe an toàn, từ đó quản lý rủi ro cho chính DN.

Chính sự can thiệp này làm mất đi quyền tự chủ, quyền tự do kinh doanh của DN, đưa DN vào tình huống bất trắc, trong khi đặt quyền lực lớn vào tay các cơ quan nhà nước mà thiếu sự kiểm tra, kiểm soát, dễ tạo nguy cơ lạm quyền để tư lợi...

- TS. Nguyễn Đình Cung

“Ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng đã giám sát hoạt động của xe qua các quy định hiện hành, liệu Dự thảo Nghị định có cần quy định quá cụ thể như vậy?”, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đặt câu hỏi.

Tương tự, nhiều quy định mang nặng tính thủ tục hành chính “làm thay” nghiệp vụ kinh doanh của DN mà Dự thảo Nghị định vẫn giữ như quy định về thời gian kiểm định đồng hồ tính cước taxi 1 năm/lần, quy định đăng kiểm với xe taxi cũ được rút ngắn xuống còn 6 tháng/lần… tiếp tục được các hiệp hội taxi của 3 miền nhắc lại đề xuất bỏ và sửa đổi cho phù hợp với thực tế sau nhiều lần đề nghị nhưng chưa được tiếp thu, sửa đổi.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội, nhiều quy định tại Dự thảo Nghị định thực tế chỉ mang tính hình thức, nhưng lại làm khó và gây tốn kém chi phí cho DN.

Chẳng hạn như việc kiểm định đồng hồ cước, mỗi lần mang đi kiểm định chỉ đơn giản là cắm máy vào kiểm tra rồi sau đó dán tem chứng nhận, trong khi thực tế, hầu hết các đồng hồ do DN trong nước sản xuất có bảo hành rõ ràng, độ bền, tính chính xác và ổn định đã được chứng nhận, bảo đảm bởi cơ quan quản lý nhà nước.

“Việc yêu cầu quy định kiểm định làm mất thời gian và gây tốn kém chi phí của DN, trong khi nếu DN không kịp thực hiện thì rơi vào tình huống vi phạm và phải chịu phạt. Do đó, nên cắt bỏ những quy định kiểu này để giảm gánh nặng chi phí cho DN và giá cước cho khách hàng, vừa đảm bảo cho DN được tự chủ kinh doanh đúng pháp luật”, ông Hùng nói.

Bình luận về các quy định như trên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn cho rằng, đây chính là thể hiện sự can thiệp hành chính thô bạo vào hoạt động kinh doanh của DN.

“Chính sự can thiệp này làm mất đi quyền tự chủ, quyền tự do kinh doanh của DN, đưa DN vào tình huống bất trắc, trong khi đặt quyền lực lớn vào tay các cơ quan nhà nước mà thiếu sự kiểm tra, kiểm soát, dễ tạo nguy cơ lạm quyền để tư lợi...”, ông Cung nhận xét.

Theo ông Cung, ngay từ cái tên gọi “Nghị định về kinh doanh vận tải” đã không đúng, dẫn tới sự sai lệch về tư duy quản lý, gây khó khăn và cản trở DN.

Đặc biệt, ông Cung dẫn ra 18 lượt quy định bằng những từ như “Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải quyết định” và theo đại diện CIEM, cần phải bỏ cách quy định nhập nhằng này, khiến cho quy định của nhà nước trở nên tùy tiện, kém minh bạch, khó tiên lượng...

“Tư duy chung từ trước tới nay là cứ phải can thiệp. Làm sao mà người soạn thảo biết Bộ trưởng sẽ quy định cái gì? Đó là nói đến sự thiện ý, nhưng nếu như vậy thì tại sao không quy định luôn ở Nghị định? Do đó, phải xem lại động cơ soạn thảo. Với cách quy định mù mờ này có thể làm ra các quy định giảm nhẹ trách nhiệm cho mình, kiếm lợi lộc nhiều, trong khi tạo đủ thứ rào cản cho DN”, ông Cung phản biện.

Tin bài liên quan