Du lịch Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan trong 15 năm tới

Du lịch Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan trong 15 năm tới

(ĐTCK) Du lịch Việt Nam sẽ đuổi kịp Indonesia, đuổi kịp Singapore trong 2 năm tới và sẽ bằng Thái Lan trong 15 năm tới. Đó là thông tin Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 14/6.

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nêu câu hỏi: “Bao giờ du lịch Việt Nam phát triển nhanh như Thái Lan, Malaysia được nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời “tôi bỏ ngỏ để Bộ trưởng kế tiếp trả lời". Vậy hiện giờ Bộ trưởng đã trả lời được chưa, giải pháp phát triển du lịch Việt Nam thế nào?".  

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Khi nghe nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói, tôi lo lắng và luôn suy nghĩ mình thực hiện trả lời câu hỏi đó thế nào”.

Du lịch Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan trong 15 năm tới ảnh 1

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện

Ông Thiện đưa ra một bức tranh so sánh cụ thể về thị trường du lịch Việt Nam so với các nước. Năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 10 triệu lượt người, trong khi đó khách đến Thái Lan đạt 32 triệu lượt, Malaysia hơn 26 triệu, Singapore 16 triệu, Indonesia 12 triệu, Philippines 6 triệu, Campuchia 5 triệu...

“Như vậy, khoảng cách khách du lịch quốc tế của ta đến Thái Lan và Malaysia còn khá xa, lượng khách đến Việt Nam chỉ mới bằng 1/3 Thái Lan”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Nếu chúng ta giữ tốc độ 20-25%, còn Thái Lan vẫn giữ mức tăng trưởng 7% như hiện nay, thì du lịch Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhau sau 15 năm nữa. Còn để đuổi kịp Indonesia cần 1 năm và cần 2 năm có thể đuổi kịp Singapore   

- Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện

Tuy nhiên, ông Thiện cho biết, Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng ngành du lịch đạt gần 30%.  Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Luật Du lịch (sửa đổi) cũng sắp được Quốc hội thông qua. Do đó, dự kiến trong giai đoạn tới, du lịch Việt sẽ có tốc độ tăng trưởng.

So sánh với các thị trường du lịch ở khu vực Đông Nam Á, ông Thiện cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế về di sản văn hóa lịch sử, thiên nhiên, bãi biển đẹp.

Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh khá cao, Việt Nam đứng thứ 113/125, nhưng xếp hạng về an ninh Việt Nam đứng thứ 34, trong khi Thái Lan đứng thứ 101.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Việt Nam có thế mạnh về sức hút vẻ đẹp thiên, an ninh tốt, nhưng còn thua Thái Lan về cơ sở hạ tầng.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời rõ câu hỏi mà người tiền nhiệm đã bỏ ngỏ.

“Du lịch Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, nếu chúng ta giữ tốc độ 20-25%, còn Thái Lan vẫn giữ mức tăng trưởng 7% như hiện nay, thì du lịch Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhau sau 15 năm nữa. Còn để đuổi kịp Indonesia cần 1 năm và cần 2 năm có thể đuổi kịp Singapore”, ông Thiện khẳng định.

Du lịch Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan trong 15 năm tới ảnh 2

 Năm 2016, Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế

Về vấn đề tour 0 đồng đã xuất hiện tại Việt Nam thời gian qua để lại nhiều bất cập, ông Thiện cho rằng, trong Luật Du lịch đã nêu cụ thể nội dung này và các giải phải khắc phục đưa ra gồm đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, công tác lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, kiểm tra các cơ sở dịch vụ mà các công ty lữ hành có thể lấy nguồn bù đắp lại chi phí cho tour 0 đồng nhằm hạn chế tối đa những bất cập.

Hiện nay, du lịch Việt đang được tạo điều kiện để phát triển nhanh, mạnh, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn vào năm 2020, nhưng một trong những vấn đề lớn nhất ngành này gặp phải là thiếu thốn nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao.

Chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Chí Tài (Quảng Ninh) cho rằng, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hiện chưa đúng mức, Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch có kế hoạch gì để cải thiện?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Đạo tạo nguồn nhân lực của du lịch là vấn đề cấp bách đối với Việt Nam. Đây là hạn chế của du lịch nước ta, góp phần làm giảm khả năng cạnh tranh”.

Người đứng đầu ngành du lịch nêu dẫn chứng cụ thể, đến năm 2015 có 750.000 lao động trực tiếp, hơn 2 triệu lao động gián tiếp ngành du lịch. Nhân sự du lịch Việt Nam đang thiếu cả số lượng và chất lượng do tốc độ tăng trưởng ngành rất nhanh. Số khách hiện tăng nhanh, số buồng phòng khách sạn 5 sao tăng gấp đôi, nên thiếu hụt nhân lực.

Trong khi đó, chưa có trường đại học riêng về du lịch, hiện chỉ có khoa du lịch thuộc trường đại học và Cao đẳng Du lịch, các trường quốc tế, các trường ngoài công lập.

“Đây là một trong những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam”, Bộ trưởng Thiện khẳng định.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo phát triển du lịch gắn với giữ gìn bảo tồn văn hóa, phát triển bền vững là những nội dung được Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch tập trung  đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm phát triển ngành đuổi kịp các nước.

Tin bài liên quan