Dự án Xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây: Nguy cơ thu hẹp quy mô vì cạn vốn

Vướng mắc về nguồn vốn do không được hoàn đủ thuế giá trị gia tăng như phương án tài chính nên Dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) không chỉ bị chậm tiến độ, mà còn đang đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp quy mô.
Dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây vẫn ngổn ngang, chưa hẹn ngày hoàn thành.

Dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây vẫn ngổn ngang, chưa hẹn ngày hoàn thành.

Vỡ phương án tài chính

Dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây (Dự án nút giao ngã tư Dầu Giây) được khởi công vào đầu tháng 2/2017, theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 3/2018. Tuy nhiên, đến nay, dù đã quá hạn gần 2 năm, việc thi công dự án này vẫn ngổn ngang và chưa hẹn ngày hoàn thành.

Theo Công ty cổ phần BT 20 - Cửu Long (chủ đầu tư dự án), nguyên nhân khiến Dự án liên tục bị trễ hẹn hoàn thành là do trước đây gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đến nay, khi người dân chấp nhận phương án đền bù thì chủ đầu tư lại gặp khó về nguồn vốn.

Để thi công hạng mục nút giao ngã tư Dầu Giây và mở rộng đoạn km0+300 đến km1+887 Quốc lộ 20, Nhà nước phải thực hiện thu hồi hơn 9.000 m2 đất của 174 hộ dân. UBND huyện Thống Nhất, đơn vị được giao thực hiện công tác thu hồi đất đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho tất cả các hộ dân. Song đến thời điểm này, chủ đầu tư dự án mới chỉ chuyển cho UBND huyện Thống Nhất hơn 81 tỷ đồng để chi trả cho 78 hộ dân. Hiện chủ đầu tư vẫn chưa chuyển kinh phí để địa phương thực hiện chi trả các hộ dân có đất bị thu hồi để phục vụ mở rộng Quốc lộ 1 (phía trái tuyến theo hướng Bắc - Nam).

“Kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án còn gần 50 tỷ đồng. Mặc dù đã phê duyệt xong phương án bồi thường, nhưng chủ đầu tư chưa bố trí được kinh phí để chi trả”, ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết.

Lý giải về việc chậm chuyển kinh phí cho địa phương thực hiện chi trả cho các hộ dân có đất bị thu hồi để xây dựng dự án, ông Hoàng Văn Mậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BT 20 - Cửu Long cho biết, tổng vốn đầu tư Dự án nút giao ngã tư Dầu Giây là gần 300 tỷ đồng. Theo phương án tài chính ban đầu, toàn bộ số vốn này được lấy từ nguồn hoàn thuế giá trị gia tăng của Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20. Tuy nhiên, hiện nay, do Bộ Tài chính vẫn chưa chấp nhận phương án hoàn thuế cho chủ đầu tư, dẫn đến việc thiếu vốn để chi trả tiền giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, chủ đầu tư vẫn bị thiếu hơn 300 tỷ đồng từ nguồn hoàn thuế theo như phương án tài chính ban đầu.

“Không chỉ bị thiếu nguồn vốn từ hoàn thuế giá trị gia tăng, do quá trình giải phóng mặt bằng kéo dài, giá đất tăng cao, nên chi phí bồi thường cũng tăng từ 22 tỷ đồng theo phương án ban đầu lên hơn 130 tỷ đồng như hiện nay. Điều này khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hoàng Văn Mậu cho hay.

Thu hẹp quy mô?

Dự án nút giao ngã tư Dầu Giây gồm các hạng mục chính là xây dựng cầu vượt Dầu Giây dọc theo Quốc lộ 1, mặt cắt ngang cầu 16 m với 4 làn xe cơ giới. Phần nút giao được mở rộng cả trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20; mở rộng một đoạn Quốc lộ 20 dài khoảng 1,5 km từ nút giao Dầu Giây về hướng TP. Đà Lạt… Theo phương án ban đầu, đối với hạng mục cầu vượt Dầu Giây và mở rộng Quốc lộ 1, cả hai bên cầu vượt được thiết kế có 8 làn xe (cầu vượt Dầu Giây có 4 làn xe, 2 tuyến 2 bên cầu mỗi tuyến có 2 làn xe).

Tuy nhiên, do chưa có giải pháp hoàn thuế giá trị gia tăng nên chủ đầu tư đang đứng trước nguy cơ phải thu hẹp quy mô dự án.

Theo ông Hoàng Văn Mậu, hiện nay, do đã cạn vốn nên chủ đầu tư đang tính toán để thu hẹp quy mô dự án bằng cách giảm số làn xe so với thiết kế ban đầu. “Riêng việc mở rộng Quốc lộ 1 phía bên trái tuyến, hiện chúng tôi chưa có kinh phí để chi trả tiền giải phóng mặt bằng, nên việc thi công cũng không thể tiến hành. Chỉ khi có nguồn vốn được bố trí từ việc hoàn thuế, chúng tôi mới có thể thi công được”, ông Mậu nói.

Cũng theo ông Mậu, hiện nay, Công ty cổ phần BT 20 - Cửu Long đang tiến hành làm việc với Cục Quản lý đường bộ IV để thống nhất về phương án điều tiết giao thông qua nút giao ngã tư Dầu Giây khi giảm số làn đường của dự án. Khi đơn vị này chấp thuận phương án, chủ đầu tư mới có thể tiếp tục thi công.

Không chỉ đối mặt với việc chậm tiến độ kéo dài, việc giảm số làn đường do chủ đầu tư khó khăn về vốn còn khiến cho mục tiêu ban đầu là giải quyết “điểm đen” về ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 của Dự án nút giao ngã tư Dầu Giây cũng khó trở thành hiện thực.

Dự án nút giao ngã tư Dầu Giây là một hạng mục của Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20. Tại tỉnh Đồng Nai, dự án này đi qua địa bàn các huyện: Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú. Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho hơn 3.700 hộ gia đình, cá nhân (bao gồm cả hạng mục nút giao ngã tư Dầu Giây) có đất bị thu hồi với số tiền hơn 332 tỷ đồng. Mới đây, UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông- Vận tải sớm bố trí kinh phí để thực hiện chi trả cho các hộ dân theo quy định.

Tin bài liên quan