Khu đất dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.

Khu đất dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.

Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1: Nhà đầu tư vẫn vấn vương

Đề nghị bổ sung Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia (đang được xây dựng), sau khi dự án này không còn nằm trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh vẫn đang được các cơ quan hữu trách xem xét.

12 năm vẫn mông lung

Nguồn tin từ Bộ Công thương cho hay, đề nghị bổ sung Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 của Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC) vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, sau khi dự án này không còn nằm trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang được lấy ý kiến của các nơi liên quan, để tránh tình trạng chủ đầu tư giữ chỗ, nhưng không triển khai, gây khó khăn trong việc đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế.

Các chuyên gia am hiểu câu chuyện Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 cho rằng, trường hợp nếu được bổ sung, dự án này nên đi theo hướng là nhà máy điện độc lập (IPP) như nhiều nhà đầu tư tư nhân trong nước khác đang triển khai.

Một trong số các nguyên nhân được nhắc tới là bởi, kể cả các dự án điện cấp bách của EVN, PVN là những doanh nghiệp nhà nước lớn được giao nhiệm vụ hiện cũng không còn nằm trong danh sách bảo lãnh của Chính phủ khi vay vốn.

Như vậy, số phận của Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 xem ra vẫn rất long đong sau 12 năm, kể từ khi có chủ trương về chọn nhà đầu tư để phát triển dự án năm 2007.

Cần nhắc lại là khi được chấp thuận về chủ trương là nhà phát triển dự án, Tập đoàn Tân Tạo (ITA) - Công ty mẹ của TEC đã chọn ngay hình thức đầu tư xây dựng - vận hành - sở hữu (BOO) để triển khai dự án này.

Tuy nhiên, chính việc lựa chọn hình thức BOO đã khiến Dự án khó khăn, khi nhà đầu tư muốn được Chính phủ bảo lãnh toàn bộ các nghĩa vụ của mình để xây dựng, vận hành Nhà máy.

Theo các chuyên gia, ở hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), nhà đầu tư vận hành thu lợi nhuận trong khoảng 20 năm sẽ chuyển giao miễn phí lại cho Nhà nước vận hành, thì với hình thức BOO, nhà đầu tư sẽ sở hữu vĩnh viễn nhà máy. 

Như vậy, chỉ cần huy động được 15-20% vốn, rồi được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài, thì nhà đầu tư “lợi đơn, lợi kép”, bởi vốn bỏ ít mà được  sở hữu vĩnh viễn.

Thậm chí, nếu chủ đầu tư muốn mang bán dự án cho nhà đầu tư nước ngoài khác, thì các ưu đãi cho dự án BOO vốn dành cho doanh nghiệp nội địa lại chảy ra ngoài. 

Sau nhiều năm đàm phán, Dự án đã được chuyển sang hình thức BOT vào tháng 2/2014. Nhưng ngay cả như vậy thì đến tận khi không còn tên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo Quyết định 428/2016/QĐ-TTg vào tháng 3/2016, các bên vẫn không tiến triển được nhiều trong việc đàm phán triển khai.

“Tới tận khi bị loại ra khỏi Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Dự án vẫn không đàm phán xong các điều khoản của Hợp đồng BOT, cũng như các vấn đề liên quan đến mua bán điện”, một chuyên gia cho biết.

Tới năm 2018, TEC lại có công văn gửi Bộ Công thương cho rằng, việc loại bỏ Dự án Kiên Lương 1 ra khỏi Quy hoạch điện VII điều chỉnh là nguyên nhân chính dẫn đến Dự án không thể triển khai được.

“Khi ngừng Dự án Kiên Lương 1, doanh nghiệp đã chịu rất nhiều sức ép từ đối tác là các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, nếu muốn thu hồi Dự án, Tập đoàn đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh Kiên Giang đền bù thỏa đáng cho cả Tập đoàn Tân Tạo và cho các nhà đầu tư nước ngoài vì đã đầu tư rất nhiều vào Dự án”, văn bản của TEC viết và cho hay, để phát triển dự án này, họ đã đầu tư 270 triệu USD và đang phải trả lãi cho khoản đầu tư này.

Do vậy, để không gây lãng phí với chi phí lớn bỏ ra, Tập đoàn Tân Tạo đã đưa ra đề nghị bổ sung Dự án Kiên Lương 1 vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia.

Bất động trên thực tế

Mặc dù nhà đầu tư đưa ra con số 270 triệu USD đã chi cho dự án này, nhưng trên thực tế, công việc đã được thực hiện lại chẳng có mấy.

Theo báo cáo 1488/UBND-KTTH của UBND tỉnh Kiên Giang (tháng 9/2017), sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 23/7/2009, TEC đã triển khai được một số công việc về mặt bằng.

Cụ thể, đã san lấp được 60 ha trong tổng số 252,4 ha đất ven biển được cấp để xây dựng các nhà máy điện và đã chi bồi thường được 10/18 hộ với số tiền 123,9 triệu đồng. Tại khu phụ trợ có diện tích tích 264,67 ha, nhà đầu tư đã chi bồi thường được 242/269 hộ với số tiền là 76,7 tỷ đồng (khoảng 95% diện tích cần thu hồi).

Với khu xây dựng nhà ở diện tích 57 ha thì địa phương đã giao được 18 ha (với số tiền bồi thường cho 11 hộ dân là 395,79 triệu đồng).

Tuy nhiên, từ cuối năm 2011, Dự án bắt đầu đình trệ. Chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ nộp tiếp tiền sử dụng đất và cũng không thực hiện thủ tục xin gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo quy định. 

Tại cảng nước sâu Nam Du, ngoài việc khảo sát thực địa, đo đạc và lên phương án đền bù, giải phóng mặt bằng để lấy ý kiến hoàn chỉnh, Dự án cũng chưa triển khai thêm công việc khác.

Tại Quyết định 1208/QĐ-TTg (tháng 7/2011) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VII, Nhà máy điện Kiên Lương 1 dự kiến vận hành năm 2019, Nhà máy điện Kiên Lương 2 dự kiến vận hành năm 2020. 

Tuy nhiên, vẫn theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, khi chuyển đầu tư sang hình thức BOT, giai đoạn 2014 - 2015, chủ đầu tư chưa thực hiện thêm bất cứ công việc gì với Dự án Kiên Lương 1. Với Dự án Kiên Lương 2, chủ đầu tư cũng không thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Còn Dự án Cảng nước sâu Nam Du, ngoài khảo sát thực địa, đo đạc và lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, đến nay TEC chưa triển khai gì thêm.

“UBND tỉnh đã nhiều lần làm việc để tháo gỡ cho chủ đầu tư, nhưng Dự án vẫn không có dấu hiệu tiến triển thêm”, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang lúc đó là ông Phạm Vũ Hồng cho hay.

Năm 2016, UBND tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi chủ trương đầu tư Trung tâm Điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du. Trong các phương án xử lý Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 được Bộ Công thương trình Chính phủ, chuyện thu hồi đầu tư và không đàm phán bồi thường cũng được tính tới.

Tin bài liên quan