Ngập nước gây bức xúc cho người dân.

Ngập nước gây bức xúc cho người dân.

Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM nguy cơ lại trễ hẹn

Công trình chống ngập gần 10.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đáng kể tình trạng ngập nước đang gây bức xúc tại TP.HCM.

Theo UBND TP.HCM, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1, với vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam về cơ bản đã giải quyết xong khâu giải phóng mặt bằng và đang điều chỉnh tổng mức đầu tư để gia hạn thời gian tái cấp vốn.

Thế nhưng nhà đầu tư vẫn không thể đẩy nhanh tiến độ dẫn đến nguy cơ dự án lại trễ hẹn.

Đợt triều cường cao bất thường vào đầu tháng 10 vừa qua vẫn còn làm nhiều người dân ngán ngẩm. Mực nước dâng cao khiến cho nhiều khu vực như: Thảo Điền (Quận 2), Thanh Đa (Bình Thạnh),…bị ngập sâu trong nước.

Người dân nhiều nơi cũng lần đầu tiên "nếm" cảm giác nước triều dâng gây nhiều thiệt hại vật chất và đảo lộn cuộc sống sinh hoạt khi sáng không thể đi làm, buổi chiều không thể về nhà mà phải chờ nước rút. 

Anh Bùi Quang Bình, ngụ hẻm 149 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh cho biết, nhiều ngày phải gửi xe ở ngoài rồi lội nước về nhà. Mực nước ngập năm nay cao hơn nhiều so với những năm trước.

Công trình chống ngập do triều gần 10.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đáng kể tình trạng ngập nước đang gây bức xúc tại TP.HCM. Vì thế, người dân thành phố đang mong ngóng từng ngày dự án sớm hoàn thành.

Theo chuyên gia Hồ Long Phi, vấn đề chống ngập tại TP.HCM cần có nhiều giải pháp khác nhau chứ không riêng gì công trình chống ngập gần 10.000 tỷ đồng.

Giải pháp kỹ thuật trước giờ đã có và thực tế là chúng ta không cần sáng tạo gì mà quan trọng nhất chỉ là ý chí chính trị của thành phố.

Về công trình dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng, ông Long Phi đề xuất cần phải xóa bao cấp trong chống ngập, có nghĩa là tính đúng tính đủ và từ đó lôi kéo được tư nhân và doanh nghiệp vào cuộc, không chỉ quá trình xây dựng công trình mà còn ở quá trình duy trì hoạt động, sửa chữa.

Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM nguy cơ lại trễ hẹn ảnh 1

Công trình chống ngập gần 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành 77%.

"Chuyện vướng mặt bằng lâu nay đã gặp chứ không phải mới đây. Tức là đụng tới cái gì liên quan mặt bằng là rối rắm đủ chuyện. Thành phố đang dựa vào cái đó như phao cứu sinh, nhưng xong rồi sao nữa. Vậy thành phố xoay tiền ở đâu ra, cơ chế vốn sao để giải quyết chuyện đó", ông Long Phi băn khoăn.

Tại buổi tiếp xúc cử tri vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố rất quan tâm đến tiến độ của công trình chống ngập gần 10.000 tỷ đồng này.

Ông Nhân cho hay những vướng mắc về giải phóng mặt bằng đã được giải quyết một cách quyết liệt. Hiện nay chỉ còn một phần nhỏ tại huyện Nhà Bè và đang được địa phương tích cực giải quyết.

Theo ông Nhân, đây là công trình quan trọng và thành phố đang dồn lực để thực hiện: "Công trình 10.000 tỷ đến giờ cơ bản đảm bảo tiến độ. Nó có chậm chút, lúc đầu là giữa 2020 xong nhưng giờ phải qua quý 1 năm 2021 do vừa rồi có lúc 8 tháng ngưng. Bây giờ khởi động lại ngưng thì có khó khăn gì?

Trước kia có 6 quận, huyện đền bù giải tỏa chưa xong, chưa giao đất được thì hiện nay 5 quận huyện đã xong hết rồi, còn môt huyện dính một ít thì các đồng chí phấn đấu trong tháng này xong".

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 đến nay đã hoàn thành được 77%.

Dự án bao gồm 6 cống kiểm soát triều lớn là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định. Ngoài ra, dự án còn có hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến Sông Kinh) dài 7,8km, bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê.

Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2, với khoảng 6,5 triệu dân trong vùng dự án ở các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

 Dự án này được khởi công từ tháng 6/2016 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019. Sau đó vướng GPMT và nhiều lý do khác nên kéo giãn tiến độ, đến nay vẫn chưa thể biết khi nào có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tin bài liên quan