Dòng vốn nhà nước chảy như thế nào?

Dòng vốn nhà nước chảy như thế nào?

(ĐTCK) Vốn và tài sản nhà nước vẫn dàn trải ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; mức độ phát triển theo chiều sâu còn hạn chế.

Nâng cao hiệu quả các nguồn lực nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, hiệu quả việc tổ chức thực hiện tái cấu trúc quản trị và cơ cấu lại các mặt hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là những giải pháp cơ bản mà các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất, nhằm tháo gỡ những nút thắt để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu DNNN.

Kết quả báo cáo nghiên cứu đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020 vừa được CIEM thực hiện cho thấy, hoạt động tái cơ cấu DNNN đến nay vẫn chưa đáp ứng mục tiêu yêu cầu DNNN phải tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng cần tới vai trò của vốn đầu tư nhà nước và phù hợp với chức năng của DNNN trong nền kinh tế thị trường. Vốn và tài sản nhà nước vẫn dàn trải ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; mức độ phát triển theo chiều sâu còn hạn chế.

Việc cổ phần hóa hàng trăm DNNN trong giai đoạn thực hiện kế hoạch tái cơ cấu 2011 - 2015 và từ năm 2016 đến nay hầu như không ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn lực của DNNN, thậm chí tốc độ tăng vốn và tài sản của DNNN nhanh hơn tốc độ tăng của phần thu về từ bán vốn nhà nước cho các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, vốn thu về nhưng không được đầu tư và chuyển dịch sang các ngành nghề cần tới vai trò của DNNN.

Theo TS. Trần Đức Cường, Trưởng nhóm thực hiện báo cáo, điều này có nghĩa là tái cơ cấu DNNN nói chung, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước nói riêng vẫn chưa làm thay đổi phân bổ nguồn lực của nền kinh tế, vì vậy tác động đến tái cơ cấu kinh tế nói chung còn mờ nhạt.

Đáng chú ý, báo cáo chỉ rõ hiệu quả đầu tư và sản xuất - kinh doanh của DNNN còn thấp so với lợi thế có được, giá trị gia tăng thấp. Số liệu so sánh của CIEM cho thấy, khu vực doanh nghiệp nhà nước cần đến 1,63 đồng vốn năm 2011 và 2,15 đồng vốn năm 2014 mới tạo ra 1 đồng doanh thu; trong khi đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước bỏ ra tương ứng 1,21 đồng vốn (năm 2011) và 1,42 đồng vốn (năm 2014) để tạo ra 1 đồng doanh thu; trong khi khu vực doanh nghiệp FDI, chỉ mất 1,05 đồng vốn (năm 2011) và 1,12 đồng vốn (năm 2014) để tạo ra 1 đồng doanh thu.

Hệ quả, kết thúc kế hoạch tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, có đến 20% tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, lỗ lũy kế, gặp nhiều rủi ro dẫn tới không tự chủ được về mặt tài chính.

“Không ai biết dòng vốn nhà nước trong DNNN đang chảy như thế nào, bởi không có con số chính xác. Đây là nhược điểm lớn nhất của quản trị, thiếu mô hình giám sát nên không cảnh báo được rủi ro, yếu kém và chỉ phát hiện ra khi hậu quả đã rồi”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.

Theo ông Cung, để khắc phục tình trạng này, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ thông qua việc thực hiện tái cấu trúc cơ chế quản trị để đảm bảo giám sát hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực tại các DNNN.

Nhược điểm lớn nhất của quản trị là thiếu mô hình giám sát nên không cảnh báo được rủi ro, yếu kém

- Ông Nguyễn Đình Cung,

Viện trưởng CIEM

“Hiện nay, trách nhiệm giải trình về quản lý tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh không rõ. Cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên trong hệ thống chính trị và trong xã hội còn thiếu, chưa được coi trọng, hoặc chưa đủ mạnh để tạo áp lực, buộc cá nhân, tổ chức được giao quản lý DNNN phải thực hiện đúng các chủ trương đổi mới. Vì vậy, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo kiểm soát được hiệu quả phân bổ nguồn lực đến đâu cũng như làm rõ được trách nhiệm quản lý”, ông Cung nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Đặng Đức Đạm cho rằng, việc thành lập cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước là cần thiết. Hiện mô hình này đang trong quá trình nghiên cứu, thảo luận.

Liên quan đến mô hình cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước, một vấn đề đáng chú ý được báo cáo của CIEM nêu lên là trong quá trình tái cơ cấu DNNN, mô hình chuyển DNNN về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực thi vẫn còn nhiều vướng mắc. Khảo sát của CIEM tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, cơ quan quản lý có những văn bản dưới luật cho phép doanh nghiệp giữ lại, không chuyển về SCIC.

“Đã có văn bản yêu cầu các DNNN chuyển giao về SCIC, nhưng mà người ta có giao đâu. Vì vậy, quá trình sắp xếp lại và cổ phần hoá DNNN khó có ai có thể làm được nếu không phải là cơ quan nhà nước”, ông Đạm nhận xét. Theo ông Đạm, tái cơ cấu DNNN liên quan trực tiếp tới vấn đề quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Theo đó, nên tham khảo, vận dụng các ưu điểm của mô hình quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả quản trị và giám sát.

CIEM đề xuất, cần nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện tái cấu trúc quản trị và cơ cấu lại các mặt hoạt động khác của DNNN. Tiếp tục hoàn thiện khung quản trị DNNN theo thông lệ tốt để đảm bảo cho DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường.

Cụ thể, cần đẩy nhanh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của DNNN, hoàn thiện các cơ chế, quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ các bên liên quan trong quá trình tái cơ cấu, đặc biệt tập trung vào hoạt động cổ phần hóa để khắc phục tồn tại, hạn chế, hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch về tiến độ cũng như bảo đảm chất lượng cao, hiệu quả.

Tin bài liên quan