Tại Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức ngày 20/3, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, hành trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu và những thành tựu trong 30 năm qua không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Tác động của những cải cách thể chế và cấu trúc giai đoạn đầu dường như đã tới hạn.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, 2021 - 2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng, có tính quyết định đối với việc Việt Nam có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không.
Giai đoạn được xác định là bứt phá, với tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt từ 7 - 7,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,3% của giai đoạn 2011 - 2020. Trong giai đoạn này, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao (4.859 USD/người/năm) vào năm 2030 và trở thành nước thu nhập cao (12.642 USD/người/năm) vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu này, ông Ousmane Dione cho rằng, nền kinh tế cần hoạt động hiệu quả và bền vững trong suốt hơn 25 năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình ít nhất phải tương đương giai đoạn 30 năm qua trong một bối cảnh đầy thách thức.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ rõ những thách thức như quá trình toàn cầu hoá đang có những thay đổi như chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng; cuộc cách mạng công nghệ có những tác động đáng kể đến thị trường lao động; dân số già hoá tăng tốc, “già nhưng chưa giàu” là khả năng hiện hữu…
“Việt Nam sẽ phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh đang thay đổi, những chuyển đổi về mô hình thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ ít thuận lợi hơn cho sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội đang được định hình, vừa tạo ra những rủi ro mới”, ông Ousmane Dione nói
Theo ông Ngoạn, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới chính là sự đột phá về tăng năng suất. Và đặc trưng của mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 sẽ là chuyển dần từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và tri thức; chuyển dần từ lượng sang chất; tăng năng suất lao động là động lực chủ đạo đóng góp tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh; thúc đẩy công nghệ, sáng tạo…
WB cho rằng, Việt Nam cần thêm một cuộc Đổi mới nữa để đạt được khát vọng trở thành quốc gia hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Kỷ nguyên của những công nghệ đột phá, đang mang lại cả thách thức cũng như cơ hội và công cuộc Đổi mới đó là “Đổi mới 4.0”.
Ông Sebastian Eckardt, Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam khuyến nghị Đổi mới 4.0 - chương trình nghị sự đổi mới trong thập kỷ tới cần có thể chế hiện đại và chính sách nhằm đẩy nhanh đầu tư vào sản xuất, với quy chế và bộ máy quản lý nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh và tăng trưởng cùng một hệ thống tài chính ổn định, hiệu quả, giúp phân bổ vốn vào các ngành và doanh nghiệp có năng suất cao; tăng cường nguồn vốn con người và kỹ năng và tăng cường đổi mới và sáng tạo…
Dẫu vậy, ông Ousmane Dione nhấn mạnh hai nhân tố quan trọng quyết định thành công trong tương lai của Việt Nam, dù chọn mô hình tăng trưởng nào đi nữa. Đó là chất lượng và thực hiện.
“Để giải quyết các vấn đề phức tạp này, cần có sự lãnh đạo và quyết tâm mạnh mẽ. Đồng thời, cần có hệ thống quản trị hiệu quả và phát triển, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng cả theo chiều ngang giữa các bộ ngành và theo chiều dọc giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ để giải quyết những điểm yếu cơ bản liên quan đến cách thức chính phủ cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công các chiến lược”, ông Ousmane Dione nói.