“Động cơ” thúc doanh nghiệp nhà nước gia tăng hiệu quả

“Động cơ” thúc doanh nghiệp nhà nước gia tăng hiệu quả

(ĐTCK) Dưới góc nhìn của ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từng đạt tỷ suất lợi nhuận trên tài sản 7%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước tới 18%, vì vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng và đặt mục tiêu cao hơn cho giai đoạn 2020 - 2025 nếu có giải pháp thúc đẩy đúng đắn.

“Bắt mạch” nguyên nhân kéo lùi hiệu quả hoạt động

Nhiều nghiên cứu, báo cáo đã chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu làm giảm hiệu quả hoạt động của DNNN. Thứ nhất là những yếu tố khách quan từ bất lợi thị trường, nhất là vào giai đoạn 2008 - 2013 đã để lại những hệ quả xấu, làm cho nhiều doanh nghiệp cho đến nay chưa phục hồi được.

Hai là, những hạn chế, yếu kém nội tại doanh nghiệp. Các dự án thua lỗ lớn trong thời gian qua đã cho thấy những hạn chế về năng lực dự báo, đánh giá nhu cầu thị trường, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư, trình độ quản lý và triển khai dự án của các doanh nghiệp nhà nước.

Việc mở rộng hoạt động sản xuất, chế biến một số mặt hàng mới của doanh nghiệp còn khó khăn, thiếu chủ động trong đổi mới sản xuất - kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư theo chiều sâu. Các công nghệ điển hình của cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được áp dụng phổ biến trong sản xuất - kinh doanh của khu vực DNNN.

Theo kết quả điều tra mức độ sẵn sàng đối với cách mạng công nghiệp 4.0 do UNDP, Trung tâm Phân tích và dự báo CAF (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Bộ Công thương thực hiện, chỉ có gần 29% DNNN đang áp dụng công nghệ điện toán đám mây, trên 22% DNNN có kế hoạch áp dụng và có tới 49% DNNN không có kế hoạch hoặc cho rằng không liên quan đến công nghệ này trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Tương tự, có tới gần 50% DNNN chưa sẵn sàng với các ứng dụng cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu….

Ba là, những hạn chế, bất cập của thể chế, cơ chế quản lý, quản trị DNNN, “tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, thao túng hoạt động của DNNN, tham nhũng, lãng phí; không rõ ràng về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; quyền hạn chưa gắn với trách nhiệm trong quản trị, điều hành doanh nghiệp nhà nước; thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực”, như Nghị quyết Trung 5 khóa XII đã nêu rõ. 

Cần giải pháp kép cho DNNN

Mặc dù trình độ công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu mong muốn, nhưng khu vực DNNN vẫn có những tiềm năng, nguồn lực để ứng dụng các công nghệ mới. Theo nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), các chỉ số về mức độ sẵn sàng, khả năng tiếp cận và ứng phó với cách mạng công nghiệp 4.0 của DNNN cao hơn so với các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nói chung, DNNN nói riêng nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn và sức cạnh tranh thông qua việc ứng dụng công nghệ mới, Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho việc xây dựng các yếu tố nền tảng của ứng dụng và phát triển công nghệ, bao gồm xây dựng hệ thống thể chế khuyến khích và hỗ trợ; nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, trước hết là vấn đề an ninh mạng, bảo mật thông tin; hệ thống cơ sở dữ liệu; nguồn nhân lực.

Trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, cần nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ mới vào hệ thống giao nhiệm vụ, đo lường và đánh giá hiệu quả đối với từng vị trí công việc trong doanh nghiệp, làm cơ sở trả lương, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí và đề bạt cán bộ doanh nghiệp...

Cần vận hành và “số hóa” hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả các chỉ tiêu giao cho doanh nghiệp thực hiện, trên cơ sở đó, thực hiện chế độ thưởng, phạt với từng doanh nghiệp, từng người quản lý do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm hoặc ủy quyền.

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần rà soát, sửa đổi, ban hành quy chế, cơ chế nội bộ về mối quan hệ giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp, trong đó xác định rõ vị trí, trách nhiệm của từng thành viên hội đồng thành viên; chế độ báo cáo, cách thức giám sát, đánh giá; hoàn thiện các chỉ tiêu đánh giá định kỳ với từng thành viên thành viên hội đồng thành viên.

Ban kiểm soát, kiểm soát viên phải thực sự là công cụ giám sát hữu hiệu của chủ sở hữu, hoạt động độc lập và không chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo hoặc chi phối về lợi ích của thành viên hội đồng thành viên và ban điều hành…

Ngoài ra, cũng cần sự nghiêm túc thực thi theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII là từ năm 2020, chuyển toàn bộ các DNNN kinh doanh thành công ty cổ phần; mở rộng tối đa diện doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần cổ phần nhà nước.

Tin bài liên quan