Đón dòng vốn lớn từ Singapore

Đón dòng vốn lớn từ Singapore

Khi mối liên kết sâu sắc về kinh tế, thương mại, đầu tư trong quan hệ Việt Nam - Singapore ngày càng bền chặt, Việt Nam càng có cơ hội để đón dòng vốn lớn từ Singapore.

Mối liên kết sâu sắc

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 53 năm Quốc khánh Singapore, 45 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore, được tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, liên kết sâu sắc về kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Singapore. 

Các con số cụ thể được nhắc tới, đó là kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng mạnh trong 20 năm qua, từ hơn 3 tỷ USD năm 1997 lên 8,3 tỷ USD năm 2017. Singapore đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam trên thế giới.

Đặc biệt, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, với 2.091 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 45 tỷ USD - lũy kế đến hết tháng 7/2018. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu đầu tư vào Singapore với 100 dự án, tổng vốn gần 300 triệu USD.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, các cơ chế hợp tác đã được xác lập và duy trì thường xuyên, hiệu quả, như Kết nối hai nền kinh tế, Tham khảo chính trị… Cùng với đó, hàng trăm thỏa thuận, hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết. Tất cả tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho hợp tác hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư.

Có thể nói, Singapore luôn là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, một nhà đầu tư có chất lượng, với các cam kết đầu tư lớn, thực hiện nhanh và hiệu quả. Rất nhiều dự án của Singapore đã đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Một trong những điển hình không thể không nhắc tới là liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp và Becamex - VSIP. Với chuỗi các khu công nghiệp - đô thị VSIP trải dài khắp Việt Nam, từ Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Dương, tới Quảng Ngãi, Nghệ An, Hải Phòng…, VSIP đã thu hút được hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư thứ cấp của các nhà đầu tư khác, qua đó tạo ra hơn 174.000 việc làm.

“Các công ty của Singapore là những nhà đầu tư nghiêm túc, lâu dài tại Việt Nam và họ tiếp tục cam kết sẽ đóng vai trò tích cực trong sự phát triển của Việt Nam”, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong nói.

Không chỉ VSIP, nhiều nhà đầu tư Singapore khác cũng đã thành công tại Việt Nam và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư. Cách đây ít lâu, Mapletree Investment Pte Ltd đã quyết định mua lại tòa nhà Kumho Asiana Plaza Saigon tại quận 1, TP.HCM từ Kumho Industrial Company Limited và Asiana Airlines Incorporated. Sau thương vụ này, khối lượng tài sản của Mapletree tại Việt Nam lên tới hơn 1 tỷ đô la Singapore.

Trước Mapletree, Keppel Land đã mua lại 40% Dự án Empire City tại quận 2, TP.HCM, tương đương 93,9 triệu USD. Chưa kể, hàng loạt tên tuổi lớn của quốc đảo này cũng đầu tư lớn tại Việt Nam, như Banyan Tree với Khu du lịch Laguna Lăng Cô, vừa được tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD để biến khu vực này trở thành một khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino…

Ngoài ra, CapitaLand cũng đã quyết định thành lập quỹ đầu tư chuyên về bất động sản thương mại tại Việt Nam là CapitaLand Vietnam Commercial Fund I (CVCFI) để tập trung đầu tư vào các dự án bất động sản thương mại hạng A tại Việt Nam. KinderWorld đã xây dựng hệ thống các trường quốc tế ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đang tiếp tục các kế hoạch đầu tư mới…

“Nhìn về phía trước, tôi không nghi ngờ gì khi các công ty Singapore sẽ tiếp tục thích nghi và đầu tư vào các lĩnh vực mới phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam như công nghệ sạch và thành phố thông minh”, Đại sứ Catherine Wong nhấn mạnh như vậy tại sự kiện đặc biệt kỷ niệm các dấu mốc lịch sử trong quan hệ song phương Việt Nam - Singapore cuối tuần qua.

Đón dòng vốn lớn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam và Singapore là những “đối tác phù hợp”, với tiềm năng và thế mạnh bổ sung cho nhau trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Công nghệ cao, năng lượng sạch, thành phố thông minh, công nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp là những lĩnh vực mới mà hai nước có thể hợp tác và được dự báo sẽ hút vốn đầu tư lớn từ Singapore thời gian tới.

Thực tế, không quá khó để nhận ra, đang có một xu hướng đầu tư mới của các nhà đầu tư Singapore vào Việt Nam. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như bất động sản và khu công nghiệp, sản xuất, dịch vụ hậu cần…, nhà đầu tư Singapore quan tâm hơn tới lĩnh vực công nghệ cao, ngân hàng, viễn thông, năng lượng…

Trong chuyến thăm Singapore hồi tháng 4 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã có 16 thỏa thuận hợp tác được ký kết và chỉ nhìn vào 16 thỏa thuận này, đã thấy rất rõ xu hướng đầu tư tại Việt Nam của các nhà đầu tư Singapore.

Tất nhiên, bất động sản vẫn luôn là “đặc sản” và bởi thế, trong dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấp thuận để Laguna nâng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD.

Ngoài ra, còn thỏa thuận giữa Tập đoàn C.T Group và Tập đoàn Soilbuild Group về hợp tác phát triển Dự án Khu đô thị I-Town trị giá 350 triệu USD; cũng như phát triển nhà máy sản xuất cấu kiện đúc sẵn xây dựng cho căn hộ chung cư trị giá 64 triệu USD;

Hay thỏa thuận giữa Công ty cổ phần Bất động sản Đông Dương và Tập đoàn CPG International Pte., Singapore về hợp tác chiến lược trong thiết kế, xây dựng và đầu tư phát triển các dự án bất động sản tại Việt Nam. Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Quân và Tập đoàn CPG cũng có thỏa thuận tương tự.

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn Sembcorp ký biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án Nhà máy điện Dung Quất; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF) ký bản ghi nhớ về hợp tác nhằm tăng cường hoạt động đầu tư và thương mại song phương giữa Việt Nam và Singapore;

Tập đoàn BRG và Tập đoàn P&T ký Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác chiến lược về việc cung cấp dịch vụ thiết kế và quản lý công trình, đầu tư các dự án trị giá 338 triệu USD.

Còn Vietnam Airlines và Tập đoàn ST Aeorospace không chỉ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ tùng vật tư cho Đội tàu bay Airbus A321, mà còn là ghi nhớ thành lập công ty liên doanh bảo dưỡng thiết bị tàu bay...

Nếu tất cả các thỏa thuận trên trở thành hiện thực, không chỉ có một khoản vốn lớn từ Singapore tiếp tục đổ vào Việt Nam, mà còn khẳng định những xu hướng đầu tư mới, mà chỉ cách đây ít lâu, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), hay The Blue Circle, Ascendas đã thiết lập.

UOB là ngân hàng Singapore đầu tiên mở ngân hàng con tại Việt Nam. Trong khi đó, Ascendas  với Dự án One Hub Sài Gòn tập trung vào sản xuất công nghệ cao và công nghệ thông tin. Còn The Blue Circle phát triển dự án điện gió 60 triệu USD ở Ninh Thuận.

Một nghiên cứu vừa được HSBC công bố cho thấy, tổng đầu tư từ các doanh nghiệp tại Singapore vào thị trường ASEAN đến năm 2020 được kỳ vọng sẽ tăng, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường chính. “Thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng và môi trường đầu tư cải thiện của Việt Nam là những yếu tố chính dẫn đến các kế hoạch mở rộng đầu tư này của doanh nghiệp Singapore”, HSBC cho biết.

Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cũng nhận định: “Hoạt động đầu tư và thương mại tăng cao từ Singapore là tín hiệu tốt đối với Việt Nam do Singapore vốn đã là một trong những thị trường mang lại nguồn vốn đầu tư cao nhất vào thị trường Việt Nam””.

Theo ông Winfield Wong, ngoài lĩnh vực tiêu dùng, thì sản xuất của Việt Nam - vốn đã có thế mạnh - đang phát triển ở một tầm cao hơn. Do đó, sẽ có nhiều công ty ở Singapore đầu tư vào Việt Nam hơn nữa, nhất là khi thị trường Việt Nam ngày càng tăng trưởng về chuỗi giá trị và cung ứng.

Một xu hướng đầu tư quan trọng khác, theo Đại sứ Catherine Wong, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh tại Việt Nam cũng sẽ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Singapore.

“Các doanh nghiệp Singapore đang xem xét M&A và đầu tư chiến lược là một cách thâm nhập thị trường Việt Nam. Theo tôi, các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng như thực phẩm, bán lẻ, viễn thông, y tế và giáo dục sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Singapore”, Đại sứ Catherine Wong nói.

Tin bài liên quan