Hơn 3.000 điều kiện kinh doanh không cần thiết đang được rà soát để loại bỏ, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp

Hơn 3.000 điều kiện kinh doanh không cần thiết đang được rà soát để loại bỏ, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp

Đổi tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, kiến tạo sự phát triển

(ĐTCK) Cởi bỏ các nút thắt, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh được coi là giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016, cũng như trong thời gian tới. 

Đây sẽ là một trong những nội dụng trọng tâm được tập trung thảo luận và quán triệt tới toàn ngành tại Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư năm 2016 diễn ra cuối tuần này.

Chính phủ kiến tạo sự phát triển

Trong bối cảnh Chính phủ mới vừa thành lập và thể hiện quyết tâm tập trung nỗ lực vào công cuộc giải phóng sức sản xuất, tạo xung lực đột phá cho sản xuất - kinh doanh và toàn cộng đồng doanh nghiệp, từ đó đưa kinh tế tăng tốc và bứt phá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như toàn ngành kế hoạch - đầu tư, đã quán triệt quan điểm này một cách rõ ràng, coi việc tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh là ưu tiên hàng đầu.

Tại cuộc đối thoại về chính sách đầu tư năm 2016 với các doanh nghiệp, nhà đầu tư mới đây, vị tân tư lệnh ngành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã và đang tập trung nỗ lực tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện, theo hướng tạo điều thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đặc biệt, một mô hình Chính phủ mới theo hình thức kiến tạo sự phát triển đang được tập trung xây dựng.

Thông điệp này đã được thể hiện rõ ràng và nhất quán trong các giải pháp điều hành, ban hành và triển khai thực thi các nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, Chính phủ đã liên tục ban hành 2 nghị quyết về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đó là Nghị quyết 19/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

“Việc tập trung tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên và ban hành nhiều Nghị quyết nhất, thể hiện rõ trọng tâm hướng vào hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ. Không dừng lại ở đó, Chính phủ cũng tập trung hoàn thiện thể chế và văn bản luật pháp, với khối lượng lớn nghị định được xây dựng nhằm nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh; tích cực rà soát để loại bỏ hơn 3.000 điều kiện kinh doanh không cần thiết; kịp thời ban hành 50 nghị định đúng thời hạn 1/7 để hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; góp phần cởi trói và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, đảm bảo không để khoảng trống pháp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo ông Dũng, Nghị quyết 19 và 35 truyền tải một thông điệp hết sức quan trọng mà Chính phủ muốn nêu bật, đó là tập trung xây dựng một Chính phủ mới theo hình thức kiến tạo cho sự phát triển.

“Kiến tạo là đổi mới tư duy. Nếu trước đây nặng về khâu quản lý thì hiện tại chuyển sang sang dịch vụ, từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Trước đây quản lý theo hình nón, đầu vào chặt chẽ nhưng thiếu sự kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh lại hoạt động. Hiện tại sẽ chuyển sang mô hình quản lý theo hình phễu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự do lựa chọn sản xuất - kinh doanh những gì pháp luật không cấm, trong khi nhà nước tiến hành giám sát để đảm bảo các hoạt động đúng với yêu cầu. Đây là hai tư duy mới, hiện đại, phù hợp với xu thế quốc tế hơn. Tư duy này đang được đẩy mạnh triển khai ở các cấp, bộ ngành, địa phương, nhằm đưa 2 nghị quyết trên và các chính sách được triển khai hiệu quả hơn, đi vào thực tế cuộc sống”, ông Dũng cho biết. 

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Mặc dù thừa nhận những giải pháp này sẽ có độ trễ và kết quả đạt được cũng như tác động thực tế tới đời sống kinh tế còn phụ thuộc rất lớn vào quá trình triển khai thực hiện, song người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư khẳng định quyết tâm chính trị lớn trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

“Điều này đã và đang được lan tỏa từ cấp cao nhất tới các cơ quan thực thi, thể hiện quyết tâm hoàn thành mục tiêu nhất quán và rõ ràng từ Chính phủ”, ông Dũng cho biết.

Ngày 30/6 vừa qua, 1 tháng rưỡi sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Quyết định số 922/QĐ-BKHĐT về việc ban hành Chương trình hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày quyết định được ký. Mục đích của Chương trình hành động là nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Nghị quyết 35. Điều này một lần nữa đã khẳng định quyết tâm và hành động thực tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt yêu cầu cả về chất lượng và tiến độ theo tinh thần của Nghị quyết 35.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, 4 yêu cầu được đặt ra nhằm thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết 35 là triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các nhiệm vụ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Nghị quyết, đảm bảo kịp thời với trách nhiệm cao; Đơn giản hóa công bố và hướng dẫn thủ tục hành chính trong phạm vi chức năng của Bộ, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; Xác định rõ nhiệm vụ tương ứng với các đơn vị chủ trì, phối hợp để chủ động thực hiện nhằm đảm bảo đúng tiến độ và kịp thời xem xét các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, có giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Theo đó, chương trình hành động tập trung vào 4 nhóm giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, bao gồm giải pháp về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo môi trường hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; giải pháp bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; đôn đốc theo dõi tình hình triển khai Nghị quyết của các bộ ngành và địa phương.

Cũng theo ông Dũng, bên cạnh việc triển khai đồng loạt các giải pháp tại Chương trình hành động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chú trọng đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả thực hiện; đề xuất đẩy mạnh triển khai các quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với các quỹ về đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ của khu vực tư nhân nhằm tăng cường nguồn vốn cho đối tượng này.

Đồng thời, xây dựng cơ chế tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhằm tăng số lượng doanh nghiệp thành lập và hoạt động thuận lợi được luật pháp bảo vệ; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, kết nối với các doanh nghiệp lớn, định hướng gắn kết với thị trường quốc tế. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả các doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh.

Với những giải pháp quyết liệt này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện quyết tâm thực hiện các quyết sách điều hành để đem lại hiệu ứng tích cực trong năm 2016, đặc biệt sẽ triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 35 và 19 để tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; góp phần nâng bước đà tăng tốc tăng trưởng kinh tế.    

Tin bài liên quan