Ông Lê Đăng Doanh

Ông Lê Đăng Doanh

Doanh nghiệp vẫn than khó vì thủ tục kinh doanh rườm rà

(ĐTCK-online) “Dù có cải cách, nhưng so với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của nhiều nước, Việt Nam vẫn chưa theo kịp. Điều này khiến DN vẫn “kêu trời” vì thủ tục kinh doanh rườm rà…”. TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định như vậy khi Báo cáo môi trường kinh doanh 2010 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) vừa công bố cho kết quả: Việt Nam tụt 2 bậc về mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh so với năm 2008.

Theo ông, đâu là lý do khiến nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta vẫn chưa theo kịp nhiều nước có trình độ phát triển tương đương?

Tôi nghĩ, vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện còn thiếu rốt ráo, chưa bền bỉ. Chính sách khá đầy đủ, nhưng việc triển khai còn chậm, chưa đồng bộ, nên hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh đạt được chưa như mong đợi. Điều này thể hiện khá điển hình trong lĩnh vực thuế. Dù chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hoá ngành thuế đã được triển khai cách đây vài năm, nhưng do khâu tổ chức triển khai chậm, nên thủ tục hành chính thuế vẫn rườm rà, nhiêu khê. Việc hoàn thuế không dễ dàng khiến DN phải “biết điều” mới được việc. Ở Việt Nam, DN phải tốn không ít khoản chi phí không thể ghi lại được bằng hoá đơn, chứng từ để chứng minh là chi phí hợp lý, hợp lệ. Trong khi đó, cơ quan thuế lúc nào cũng đòi hỏi DN phải có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh các khoản chi tiêu đó là hợp lệ, nếu không sẽ bị xuất toán, nên DN chỉ biết… kêu trời. Đánh giá của WB và IFC cho thấy, số giờ mà DN kinh doanh ở Việt Nam phải bỏ ra để hoàn thành nghĩa vụ thuế còn rất cao. Số liệu này phù hợp với kết quả điều tra mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã công bố trước đây.

Trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2010, chỉ số mức độ trách nhiệm của thành viên HĐQT trong công ty cổ phần ở Việt Nam chỉ đạt 0 điểm, chỉ số mức độ bảo vệ nhà đầu tư đạt 2,7 điểm… Những con số này gợi cho ông điều gì?

Rõ ràng, những con số trên phản ánh mức độ bảo vệ nhà đầu tư, nhất là cổ đông nhỏ lẻ còn rất kém. Luật Doanh nghiệp hiện hành chưa trao cho nhà đầu tư nhỏ lẻ có quyền khởi kiện HĐQT, tổng giám đốc các công ty cổ phần ra toà trong trường hợp quyền lợi hợp pháp của họ bị xâm phạm. Kẽ hở này của Luật đang tạo ra xung đột lợi ích chưa có cách giải quyết thấu tình, đạt lý ở không ít công ty cổ phần, thậm chí ở cả DN đang tiến hành cổ phần hoá.

Phải tháo gỡ tình trạng này theo cách nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, thưa ông?

Luật Doanh nghiệp nên điều chỉnh theo hướng có thêm những quy định mới bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, cổ đông thiểu số thật chi tiết, chặt chẽ. Nếu chỉ dừng lại ở hô hào HĐQT, lãnh đạo các DN quan tâm đến quyền lợi của nhà đầu tư, cổ đông chung chung, hoặc chỉ dừng lại ở giải quyết xung đột qua ban kiểm soát của công ty, thì khó mang lại hiệu quả, thậm chí để tình trạng này kéo dài có thể tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh. Trong thực tế, ban kiểm soát, thay vì đại diện cho ĐHCĐ, thường lại trở thành đồng minh hay công cụ của tổng giám đốc, nên cổ đông thiểu số không được bảo vệ thích đáng. Kinh nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay cho thấy, ngay ở những nền kinh tế tiên tiến, lợi ích của cổ đông thiểu số đang bị lấn át và vẫn cần được cải thiện.

Theo ông, ưu tiên mà Nhà nước cần làm để tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn nữa là gì?

Quy định thiếu có thể bổ sung, nhưng quy định đầy đủ mà triển khai không quyết liệt thì vẫn khó cải thiện tình hình. Bởi vậy, cùng với hoàn thiện hệ thống pháp lý theo hướng đơn giản, dễ thực hiện cho DN, lúc này Nhà nước cần tạo khâu đột phá trong tổ chức triển khai các giải pháp có tính hệ thống, liên ngành (như giữa các luật đầu tư, đất đai, xây dựng…) để thuận lợi hoá môi trường kinh doanh hơn nữa. Một điểm cần lưu ý là thủ tục nào đã được đơn giản hoá cần có biện pháp duy trì, tránh tình trạng nhiêu khê, rườm rà. Muốn làm việc này hiệu quả, cần sự vào cuộc của các hiệp hội, chuyên gia, tổ chức quốc tế, nhất là các hiệp hội của cộng đồng DN.

Chính phủ đang quyết tâm cắt giảm 30% thủ tục hành chính. Ông có cho rằng điều này sẽ góp phần đáng kể vào cải thiện môi trường kinh doanh?

Nếu cắt giảm thành công 30% thủ tục hành chính hiện hành, chắc chắn sẽ giúp DN “cởi trói” được nhiều loại thủ tục hành chính. Tôi nhấn mạnh rằng, để có thể cắt được 30% thủ tục hành chính, cần sự quyết tâm rất cao của các bộ, ngành, địa phương bằng những việc làm cụ thể, chứ nếu dừng ở kế hoạch trên giấy thì khó mang lại hiệu quả thực chất. Việc cắt giảm đó không dễ dàng vì không ít thủ tục gắn với lợi ích nhất định của một số viên chức. Cộng đồng DN đang hy vọng việc cắt giảm 30% thủ tục hành chính sớm trở thành hiện thực, để giúp họ tiết kiệm chi phí về tiền bạc, thời gian.