Người dân, doanh nghiệp vẫn gặp khó trước các thủ tục hành chính do tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực còn diễn ra

Người dân, doanh nghiệp vẫn gặp khó trước các thủ tục hành chính do tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực còn diễn ra

Doanh nghiệp vẫn khổ vì “bôi trơn”, “giấy phép con“

(ĐTCK) Quan ngại trước tình trạng “bôi trơn”, “giấy phép con” đang làm khó người dân, doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

“Bôi trơn” mới được việc

Ghi nhận nỗ lực đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh đã mang lại những kết quả tích cực, nhưng một tồn tại được nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ ra là việc “làm thoáng” điều kiện đầu tư, kinh doanh còn chậm, chưa mang lại kết quả như kỳ vọng, một phần vì vẫn còn những cán bộ nhũng nhiễu.

“Ở một số ngành, địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để ‘bôi trơn’ khi đi làm các thủ tục hành chính. Tình trạng này nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân...”, Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) quan ngại.

Cùng góc nhìn trên, Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cho rằng, xét ở tâm trạng, dư luận, thái độ và cả những phản ứng phê phán của nhân dân đối với cán bộ, công chức, thì so với thời gian trước, tuy hình thức nhũng nhiễu một cách công khai, trắng trợn đã giảm ở một số lĩnh vực, nhưng chưa thực sự làm hài lòng doanh nghiệp, người dân.

“Kinh phí không chính thức vẫn tồn tại như một thứ 'luật ngầm' ai cũng hiểu. Mặc dù sự ấm ức và khó chịu, nhưng muốn được việc thì doanh nghiệp phải ‘bôi trơn’. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, sàng lọc đội ngũ cán bộ, xử lý nghiêm những vi phạm của các công chức, cán bộ vi phạm…”, ông Diến đề xuất.

Ở tầm nhìn khái quát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, tình trạng nhũng nhiễu, đòi hối lộ hoặc có vi phạm, tiêu cực trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn diễn ra, nhưng một số trường hợp xử lý chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận...

Vẫn còn “giấy phép con”

Tuy kết quả cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính bước đầu góp phần “làm thoáng” môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng theo ý kiến từ đại biểu Quốc hội, vẫn còn tồn tại tình trạng “giấy phép con”.

Theo bà Lê Thị Nga, một số bộ, ngành, địa phương vẫn chậm cải cách thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục hành chính còn chưa thực sự hợp lý, vẫn còn tình trạng “giấy phép con”, chậm giải quyết thủ tục hành chính; chưa thực hiện nghiêm việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính ở một số nơi còn nửa vời; chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh ở một số bộ, ngành chưa đồng đều, có biểu hiện chạy theo số lượng, mang tính hình thức… Việc cắt giảm chi phí thủ tục hành chính hiệu quả còn thấp.

“Vẫn còn nhiều bộ, cơ quan thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh chậm trễ, hiện mới chỉ tiến hành rà soát hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án cắt giảm. Có bộ cắt giảm điều kiện này, nhưng lại phát sinh điều kiện khác. Chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều. Có tình trạng chạy theo số lượng, mang tính đối phó và chỉ sửa đổi câu chữ, mà không làm thay đổi tính chất thủ tục, hoặc chuyển điều kiện kinh doanh thành quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm soát, tạo rào cản. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thực hiện thực chất, tránh chạy theo hình thức, đối phó để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp...”, đại biểu Trần Hồng Hà đề xuất.

Một hạn chế nữa của việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, theo bà Nga là còn những quy định thiên về thuận lợi cho bộ, ngành, địa phương, mà chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, qua kiểm tra của cơ quan chức năng, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, còn nhiều văn bản ban hành trái pháp luật, vi phạm nội dung, căn cứ pháp lý, thẩm quyền ban hành... đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Theo Báo cáo 1674/BC-UBPL ngày 11/9/2018 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội năm 2018, qua công tác kiểm tra và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp phát hiện có 157 văn bản trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền; các bộ, cơ quan ngang bộ kiến nghị xử lý 2.063 văn bản và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị xử lý 8.502 văn bản…

Tin bài liên quan