Để có những kiến nghị chất lượng tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự chuẩn bị, tập hợp các ý kiến khá kỹ càng

Để có những kiến nghị chất lượng tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự chuẩn bị, tập hợp các ý kiến khá kỹ càng

Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng bà đỡ chính sách

(ĐTCK) Gần một nửa số doanh nhân có mặt tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) sáng 31/7 tin rằng, có quá nửa kiến nghị của khu vực kinh tế tư nhân sẽ được Chính phủ xem xét xử lý. Đây là minh chứng rõ nhất về niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào những chuyển động chính sách tới đây.

Thẳng thắn nêu vấn đề

Cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành với khu vực kinh tế tư nhân được giới chuyên gia và nhóm báo chí nhận xét là rất thẳng thắn, đi thẳng vào những bất cập, cản trở lớn mà doanh nghiệp và nền kinh tế đang phải đối mặt.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho rằng, doanh nghiệp tư nhân cần cơ chế và chính sách tốt. Ông dẫn chứng rằng, chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi tiến hành một dự án lên tới 30% là mức quá cao.

“Phải mổ xẻ ra đây là những chi phí nào, cái gì phải cắt giảm đi. Ngân hàng Thế giới cho biết, chi phí logistic tại Việt Nam chiếm tới 23% trong khi trên thế giới chỉ 10%.

Hiện tại, công nghệ rất phát triển, chúng ta có thể làm cho tốt để giảm thiểu chi phí này”, ông Tiền đề xuất cụ thể. Vị doanh nhân này còn đề xuất thành lập một tổ chức đại diện cho khu vực kinh tế tư nhân, phản ánh tiếng nói của các doanh nghiệp và tổ chức này được giao ban với Thủ tướng Chính phủ 3 tháng/lần.

Ông Don Lam, CEO VinaCapital đặt vấn đề về thực trạng chảy máu ngoại tệ của Việt Nam ra nước ngoài và nói thẳng về câu chuyện hơn 3 tỷ USD được chuyển sang Mỹ mua nhà đất. “Phải chăng con số thực tế lớn hơn nhiều.

Liệu có phải các doanh nhân chưa yên tâm, rủi ro kinh doanh tại Việt Nam còn lớn. Để giữ dòng vốn này ở lại, kêu gọi thêm được các nhà đầu tư trong nước, chúng ta cần phải làm gì?”, ông Don Lam nêu câu hỏi.

Trong khi đó, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT lại ví các doanh nghiệp công nghệ thông tin đang chịu cảnh “một cổ đôi tròng” khi vừa phải đóng 0,5% doanh thu cho khoản phí thương quyền, vừa phải nộp 1,5% doanh thu cho dịch vụ công ích. Ông đề xuất bỏ hẳn loại phí thứ hai vì dịch vụ công ích phải do doanh nghiệp tự nguyện đóng góp, không thể là khoản bị ép phải nộp.

Để có những kiến nghị chất lượng tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự chuẩn bị, tập hợp các ý kiến khá kỹ càng.

Điều này được thể hiện trong phiên thảo luận về du lịch với các kiến nghị tháo gỡ điểm nghẽn để tạo đà đột phá. Diễn đàn đã đưa thẳng con số 70% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại Việt Nam hay các tệ nạn như “chặt chém” du khách, môi trường bẩn, nạn cướp giật, sân bay quá tải…  để người đứng đầu Chính phủ thấy được bức tranh rất thực tế.

Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Minh, Việt Nam hiện miễn visa cho 23 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng các nước trong khu vực mở hơn rất nhiều, chẳng hạn Thái Lan miễn cho 58 nước. Hay chi phí quảng bá cho du lịch Việt Nam là 2 triệu USD/năm, trong khi Thái Lan là 69 triệu USD, Malaysia là 105 triệu USD.

Kinh phí eo hẹp nhưng lại bị sử dụng lãng phí, ông Minh thẳng thắn đề xuất dẹp bỏ tình trạng triển khai ồ ạt năm du lịch quốc gia tại các tỉnh, thành phố như hiện nay, thay vào đó cần xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm.

Nông nghiệp, một trong những ngành Việt Nam có thế mạnh, cũng được các doanh nghiệp chỉ ra hàng loạt bất cập như thiếu kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ, thiếu câu chuyện hay để quảng bá, xúc tiến thương mại không gắn với hiệu quả, với doanh nghiệp…

Hành động và hành động

Lắng nghe trong buổi sáng các kiến nghị của khu vực kinh tế tư nhân, khi thậm chí không ít CEO còn xin thêm giờ để có thể nói lên được bức xúc, trăn trở của lĩnh vực mình đang hoạt động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo quyết liệt ngay tại hội nghị. Thủ tướng đồng ý cho phép thành lập một tổ chức đại diện cho khu vực kinh tế tư nhân như đề xuất của ông Vũ Văn Tiền. Ông đã yêu cầu các bộ ngành ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để sau đó có hướng tháo gỡ, xử lý.

Ông khẳng định: “Chính phủ luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ đối với doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng bà đỡ chính sách ảnh 2

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để sau đó có hướng tháo gỡ, xử lý 

Một mặt, Thủ tướng động viên, khích lệ tinh thần tiến lên của doanh nghiệp: “Những gì mà tư nhân có thể làm tốt, Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm. Hãy tháo dây, nhổ neo, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hãy ra khơi mạnh mẽ hơn”.

Mặt khác, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp khi nhấn mạnh rằng, Chính phủ hành động thì doanh nghiệp tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. Doanh nghiệp phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân cần phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp từ xấp xỉ 50% hiện nay lên 60% GDP.

Cần nâng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp nhà nước

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành

Khu vực kinh tế tư nhân đã vật lộn với nhiều khó khăn, thử thách trong những năm qua. Không ít doanh nghiệp phải đóng cửa. Số còn lại chủ yếu nằm trong khu vực phi chính thức, quy mô rất nhỏ hoặc nhỏ và vừa. Trong bối cảnh này, việc các chính sách của Đảng và Chính phủ xác định khu vực tư nhân là động lực quan trọng để xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước là nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho các doanh nghiệp.

Hiện nay, cải cách thể chế đang tập trung vào các vấn đề hỗ trợ kinh tế tư nhân, giải quyết các thách thức mà khu vực này phải đối mặt. Trong số đó, trước hết cần nâng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp nhà nước để tăng mức độ hấp dẫn nhà đầu tư và tăng cường cải tiến quản trị doanh nghiệp.

Đồng thời, cần nâng cao tính minh bạch thông qua công khai thông tin thường kỳ với độ chính xác cao, đặc biệt là về vấn đề sử dụng nguồn vốn vay và việc bảo lãnh nguồn vốn vay đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước khi dự án của doanh nghiệp tư nhân có tính khả thi cao, đặc biệt là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, khu đô thị thông minh, các dự án về năng lượng tái tạo…

Việc tạo môi trường công bằng giữa các khu vực kinh tế trong nước chính là nhân tố quan trọng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển. 

Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tín dụng

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital

Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước và điều này đã được chứng minh bằng việc nâng bậc thứ hạng trong các khảo sát của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc cần làm để khắc phục những bất cập như hệ thống các quy định chồng chéo, không rõ ràng, thiếu hiệu quả, khiến khu vực tư nhân tốn thêm các chi phí và thời gian không chính thức, dẫn tới sức cạnh tranh kém đi.

Trong lĩnh vực tài chính tín dụng, cần tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tín dụng để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Thực tế, thị trường vốn của Việt Nam đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, giúp doanh nghiệp có thể gọi vốn mà không nhất thiết cần đến ngân hàng, song ngân hàng vẫn là đối tượng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho hầu hết doanh nghiệp.

Do đó, các quy định của ngành ngân hàng cần được xem xét theo hướng đưa ra những yêu cầu công bằng trong tiếp cận vốn vay. Lý tưởng nhất là thị trường sẽ phát triển đến mức độ mà ngân hàng phải cạnh tranh lẫn nhau để tiếp cận doanh nghiệp tư nhân, thay vì ngược lại như hiện tại. 

Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ xây dựng thành phố thông minh

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC

Mỗi khi có những quy định mới được ban hành, doanh nghiệp thường lo nhiều hơn mừng vì thuận lợi chỉ một phần, trong khi khó khăn rất lớn. Do đó, chúng tôi đề xuất việc ban hành các văn bản luật pháp không nên lấy tiêu chí số lượng mà cần chất lượng. Bên cạnh việc ban hành quy định mới, cần rà soát các quy định cũ để loại bỏ bất cập.

Là một công ty công nghệ, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực này tại Việt Nam còn có nhiều khó khăn. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng tiêu chuẩn về thành phố thông minh trên cơ sở tham khảo, học hỏi và áp dụng các tiêu chuẩn chung đã được thế giới chấp nhận. Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia theo nguyên tắc mở; đào tạo nhân lực công nghệ thông tin; nên giao cho tư nhân tham gia các dự án chính phủ điện tử và thành phố thông minh.

Tin bài liên quan