21% DN cho biết gặp khó khi thực hiện TTHC về đất đai

21% DN cho biết gặp khó khi thực hiện TTHC về đất đai

Doanh nghiệp tố khổ vì thủ tục đất đai

(ĐTCK) “Kết quả điều tra do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành cho thấy, thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, nhất là thủ tục về đất đai, gây phiền hà nhiều nhất cho DN so với các loại TTHC khác…”, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

“Thiên la địa võng…”

Đó là ví von của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Dầu khí toàn cầu, trước thực trạng TTHC về đất đai đang bủa vây DN, khiến DN rất khó tìm lối thoát, khi ông này phát biểu tại “Hội nghị đối thoại DN năm 2014 về TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với VCCI vừa tổ chức.

“Dù đã quen với sự rườm rà của TTHC về đất đai, nhưng các DN trong nước với tư cách là chủ đầu tư dự án bất động sản, vẫn thấy thủ tục này vô cùng phức tạp, huống gì NĐT nước ngoài…”, ông Hiệp nói và dẫn chứng về mức độ gây khó của TTHC về đất đai mà các DN đang phải đối mặt.

Theo đó, chẳng hạn khi triển khai một dự án bất động sản tại Hà Nội, bước 1 là DN phải xin định hướng triển khai dự án của UBND Thành phố. Qua được cửa này thì đến bước 2 là nộp hồ sơ xin chấp thuận đầu tư ở Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đơn vị này không trả lời trực tiếp cho DN, mà phải có ý kiến của 6 sở, ngành liên quan như: quy hoạch kiến trúc, TN&MT, xây dựng… Sau khi có quyết định chấp thuận đầu tư, DN phải mất khoảng 40 ngày để thực hiện bước 3 là làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với các loại giấy tờ và quy trình hỏi xin ý kiến 6 đơn vị tương tự như bước 2. Khi có chứng nhận đầu tư, vào bước 4, DN phải nộp hồ sơ cho Sở Quy hoạch kiến trúc để xin giấy phép quy hoạch, cũng với các loại giấy tờ và quy trình hỏi xin ý kiến 6 đơn vị như trên. Bước 5, các DN phải làm việc với Sở TN&MT để thẩm định nhu cầu sử dụng đất, cũng vẫn với các loại giấy tờ, quy trình xin ý kiến các sở, ngành liên quan như 4 bước. Sau khi có quyết định giao đất, vào bước 6, các DN mới được cấp phép xây dựng… Với những dự án có quy mô lớn, thì không phải UBND Thành phố xem xét, mà phải thông qua Thường trực Thành ủy quyết định, trên cơ sở đó DN mới được thực hiện thủ tục triển khai dự án…

Tuy dẫn ra quy trình rườm rà như trên, nhưng ông Hiệp cũng như đại diện một số DN khác đều cho rằng, đó là mới nói vắn tắt và mọi chuyện “xuôi chèo mát mái”, chứ trên thực tế, các DN phải trải qua rất nhiều khó khăn trước khi triển khai dự án… Nêu lên bức xúc với mong muốn Bộ TN&MT sớm gỡ khó, nhưng các DN không khỏi lo lắng vì khả năng tiếp tục bị “hành”. Lý do là bởi, để gỡ các vướng mắc, cần sự phối hợp của nhiều ngành, nên nếu chỉ có sự vào cuộc của Bộ TN&MT, thì chỉ giải quyết được phần nhỏ bất cập.

Ở góc nhìn rộng hơn, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, kết quả điều tra của VCCI năm 2013 cho thấy, TTHC trong lĩnh vực TN&MT khiến DN gặp nhiều khó khăn nhất, với tỷ lệ lên tới 27%, trong khi tỷ lệ này ở lĩnh vực thứ hai có TTHC gây khó cho DN là thuế, phí và lệ phí là 17%... Trong số 27% DN cho rằng gặp phiền hà trong thực hiện TTHC về TN&MT, đa phần cho biết họ gặp khó khi thực hiện TTHC về đất đai, với tỷ lệ 21%, 6% còn lại là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

“Tính chất rườm rà, phức tạp của TTHC về đất đai phần nào thể hiện qua chia sẻ của vị chủ tịch UBND của một tỉnh, khi ông cho biết, giải quyết các TTHC về đất đai, giải phóng mặt bằng… chiếm hơn 50% thời gian làm việc của ông…”, ông Tuấn nói.

Cần sự phối hợp

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thừa nhận, TTHC trong lĩnh vực TN&MT đã được cải cách mạnh mẽ, nhưng so với yêu cầu còn khoảng cách khá xa, bởi vẫn gây tốn kém thời gian, chi phí, thậm chí gây bức xúc cho người dân và DN.

“Ngoài thông qua các kênh giao lưu trực tuyến, họp báo…, để tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của DN, Hội nghị đối thoại DN là diễn đàn được Bộ TN&MT phối hợp với VCCI tổ chức hàng năm, nhằm lắng nghe đề xuất, kiến nghị của các DN, chuyên gia, trên cơ sở đó Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách, đơn giản hóa TTHC, nhằm tạo thuận lợi cho DN...”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, đại diện Bộ TN&MT cũng cho rằng, để tháo gỡ các vướng mắc TTHC về đất đai cho DN, nếu chỉ có sự vào cuộc của Bộ thôi là chưa đủ, bởi trên thực tế, việc thực hiện thủ tục này liên quan đến nhiều ngành, nên đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả hơn của các ngành như Tư pháp, Xây dựng, UBND cấp tỉnh… theo cơ chế một cửa, nhằm đơn giản hóa TTHC, cũng như kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh cho DN.              

Tin bài liên quan