Doanh nghiệp Tây Bắc đã ít “kêu” về vốn

Doanh nghiệp Tây Bắc đã ít “kêu” về vốn

(ĐTCK) Sáng nay, Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc do Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư,  Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch và Tỉnh Sơn La tổ chức tại Mộc Châu, Sơn La.

Điểm khác biệt của Hội nghị lần này đó là các DN không còn tập trung “kêu” về vốn như những năm trước, mà là câu chuyện về cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao…

Nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng

Thực tế cho thấy, không phải ngẫu nhiên DN lại thay đổi mối lo lắng, bởi tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc năm 2013 tổ chức tại Tuyên Quang, các NHTM đã ký kết 14 hợp đồng tín dụng cam kết tài trợ số vốn vay lên đến 20.116 tỷ đồng. Đến cuối tháng 12/2014, các ngân hàng đã bước đầu giải ngân cho vay được một số dự án với số tiền là 5.000 tỷ đồng.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, một số chính sách tín dụng đặc thù của NHNN có tác động không nhỏ trong việc khai thác thế mạnh, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực Tây Bắc. Cụ thể:

Thứ nhất, chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ.

Ba DN tiêu biểu của khu vực là Công ty TNHH chè Phong Hải ở tỉnh Lào Cai, Công ty cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên và Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương ở tỉnh Tuyên Quang đã được NHNN phê duyệt tham gia chương trình cho vay thí điểm với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay là 318,5 tỷ đồng và đã bắt đầu giải ngân.

Đây là 3 trong số 28 DN là điểm sáng tiêu biểu về liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trong cả nước. Việc thực hiện chương trình sẽ tạo hướng đầu tư tín dụng phục vụ sản xuất hàng hóa lớn, tạo giá trị thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam.

Thứ hai, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được ngành ngân hàng triển khai từ đầu năm 2014 được coi là công cụ hiệu quả mà ngành ngân hàng đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thực hiện để từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất. Sau hơn 8 tháng triển khai chương trình, ngành ngân hàng đã cùng các cấp chính quyền địa phương trong khu vực tổ chức được 41 hội nghị kết nối. Thông qua các hội nghị này đã có 2.201 DN được các ngân hàng ký cam kết cho vay với số tiền lên đến 20.893 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, đến nay đã giải ngân được hơn 15.408 tỷ đồng.

“Không có sự nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, khó có thể giải ngân được hơn 15.000 tỷ đồng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, do nguồn vốn huy động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được gần 76% tổng nhu cầu vốn tín dụng của các địa phương trong vùng, ngành ngân hàng đã chủ động điều chuyển vốn từ các khu vực khác về để đảm bảo vốn tín dụng luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tu cho khu vực Tây Bắc, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nông, lâm nghiệp, các lĩnh vực sản xuất thế mạnh của vùng như công nghiệp khai thác, chế biến. Ngoài ra, tín dụng ngân hàng dành cho các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia như thủy điện Sơn La, Lai Châu… góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực.

Yêu cầu bức thiết

Đại diện Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đề nghị, Chính phủ quan tâm đầu tư sửa chữa, mở rộng các tuyến quốc lộ trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc để thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.

Bà Đỗ Thị Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Đông Ấn Việt Nam (xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chia sẻ, DN phải tự mở con đường khoảng 2 km từ nhánh đường của xã vào cơ sở chế biến của DN cũng chi phí gần 1 tỷ đồng, chiếm 1/3 số vốn tự có để đầu tư ban đầu xây dựng cơ sở hạ tầng của DN.

Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần tập chủ động hợp tác, liên kết để tìm ra giải pháp cho phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài các nguồn vốn bố trí từ ngân sách, ODA..., cho các công trình trọng điểm, các địa phương cần xác định mức độ ưu tiên đầu tư cho các công trình khác mang tính liên vùng và tập trung nguồn lực để phát triển các dự án này; giữa các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần có sự phân công hợp lý, để mỗi tỉnh nên tập trung đào tạo chuyên sâu một số ngành, tránh trùng lắp.

Để vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững hoà nhập với sự phát triển chung của kinh tế cả nước, một trong những giải pháp quan trọng được ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chỉ ra là, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, trước hết là cho sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp là thế mạnh của vùng. Triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

“Ngoài 5 ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân còn có sự tham gia tích cực của LienVietPostBank, Techcombank, Maritime Bank, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh cho vay và cung ứng dịch vụ ngân hàng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các DN đầu tư, kinh doanh”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết các hợp đồng tài trợ vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp với tổng mức tài trợ được ký kết dự kiến lên tới hơn 3.500 tỷ đồng. Cụ thể, BIDV ký tài trợ vốn 3 dự án với tổng mức tài trợ 954 tỷ đồng, Agribank ký tài trợ vốn 3 dự án với tổng mức tài trợ 410 tỷ đồng, VietinBank ký tài trợ vốn 4 dự án với tổng mức tài trợ 1.832 tỷ đồng, Ngân hàng An Bình ký tài trợ vốn 2 dự án với tổng mức tài trợ 340 tỷ đồng.

Tin bài liên quan