Doanh nghiệp Pháp đang có gần 600 dự án đầu tư tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Với gần 600 dự án đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư đạt 3,56 tỷ USD, các doanh nghiệp Pháp đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam, chỉ sau Hà Lan.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp lãnh đạo Ủy ban Điều hành Tập đoàn Air Liquide (Pháp) tại Việt Nam (Ảnh: VGP).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp lãnh đạo Ủy ban Điều hành Tập đoàn Air Liquide (Pháp) tại Việt Nam (Ảnh: VGP).

400 doanh nghiệp Pháp và 100 doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự buổi Hội thảo trực truyến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), với chủ đề “Cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp Pháp” diễn ra tại đầu cầu Bộ Công Thương, Việt Nam và trụ sở Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp.

Đây là Hội thảo trực tuyến đầu tiên do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với một nước châu Âu tổ chức tuyên truyền về Hiệp định EVFTA cho các doanh nghiệp châu Âu, kêu gọi hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, chuẩn bị cho EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020.

Số liệu được đưa ra tại Hội thảo cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019 (đứng thứ 3 tại châu Âu chỉ sau Đức và Hà Lan).

5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp đạt 1,77 tỷ USD, giảm 18,66% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,20 tỷ USD, và nhập khẩu đạt 572,37 triệu USD.

Dự báo thương mại song phương sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào những tháng cuối năm sau khi Pháp tái khởi động nền kinh tế và nền kinh tế dần dần phục hồi.

Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến hết tháng 5 năm 2020, Pháp đang có 588 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,56 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam, chỉ sau Hà Lan.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kỳ vọng, dòng vốn FDI từ Pháp vào Việt Nam sẽ sớm gia tăng khi EVFTA có hiệu lực, với nhiều cam kết đã đạt được tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp Pháp đều mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.

"Xu hướng chung hiện nay của các doanh nghiệp Pháp và châu Âu là liên kết, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các doanh nghiệp sở tại để xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng mới, tận dụng hiệu quả lợi thế của các hiệp định EVFTA và EVIPA. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác châu Âu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu", Chủ tịch Cơ quan đại diện thương mại và đầu tư Pháp, ông Christophe Lecourtier cho biết.

Theo Cơ quan đại diện thương mại và đầu tư Pháp, các nhà đầu tư Pháp đang dành sự quan tâm lớn vào các lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, năng lượng, chế biến chế tạo.. tại Việt Nam.

Đơn cử, lĩnh vực năng lượng thời gian qua đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp Pháp, đặc biệt là công nghiệp điện, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng. Trong đó, Tập đoàn EDF của Pháp tham gia Dự án Điện khí Sơn Mỹ 1.

Hay một nhà đầu tư Pháp sớm có mặt tại Việt Nam từ năm 1996 là Air Liquide, hiện là nhà cung cấp khí công nghiệp lớn với 10 đơn vị sản xuất đặt tại các địa phương trên cả nước, cung cấp khí phụ trợ cho các ngành công nghiệp ô tô, luyện kim, điện tử, thực phẩm, hoá dầu và chăm sóc sức khoẻ.

Trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng hồi năm ngoái, lãnh đạo Ủy ban Điều hành Tập đoàn Air Liquide (Pháp) cho biết, Air Liquide có kế hoạch tăng gấp đôi tổng mức đầu tư tại Việt Nam để nâng cao năng lực cung cấp khí công nghiệp, phục vụ cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển năng lượng sạch, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Tin bài liên quan