Các lĩnh vực chủ lực của Việt Nam như dệt may, nông-thủy sản, giày dép, đồ gỗ, chế biến, chế tạo đều được dự báo tích cực trong quý IV/2017

Các lĩnh vực chủ lực của Việt Nam như dệt may, nông-thủy sản, giày dép, đồ gỗ, chế biến, chế tạo đều được dự báo tích cực trong quý IV/2017

Doanh nghiệp lạc quan với triển vọng cuối năm

(ĐTCK) Mức tăng trưởng GDP kỷ lục 7,46% trong quý III vừa qua cùng với những dự báo tích cực về triển vọng sản xuất kinh doanh cuối năm đã và đang mang lại nhiều hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, tiếp sức đưa con tàu kinh tế về đích.

Tín hiệu khả quan từ nhiều ngành xuất khẩu chủ lực

Nhu cầu về dệt may trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng giảm, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này trong 3 quý đầu năm nay vẫn tăng trưởng tương đối khả quan. Số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, 8 tháng năm 2017, toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu trên 19,8 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ 2016.

Nhận định về tiềm năng và xu hướng tăng trưởng của lĩnh vực chủ lực này trong những tháng cuối năm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, thông thường, thời gian cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh hoàn tất các đơn hàng, nên dự kiến ngành dệt may sẽ đạt mức tăng trưởng cao.

“Bên cạnh đó, cùng với những yếu tố thuận lợi khác như ưu đãi thuế suất vào một số thị trường lớn khi các Hiệp định thương mại song phương có hiệu lực như thị trường Hàn Quốc, cộng với đơn hàng dệt may tiếp tục được mở rộng, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may thời gian tới”, ông Giang nói.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện
Vitas, vẫn còn một số khó khăn, rào cản cần được tích cực tháo gỡ để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong ngành này.

“Nhà nước cần sửa đổi điều kiện cấp phép nhập khẩu máy in để in trên sản phẩm dệt may xuất khẩu; xem xét lại quy định tăng mức thuế nhập khẩu từ 0% lên 2% đối với xơ polyester do nguyên liệu này chưa sản xuất được và vẫn phải nhập khẩu; đồng thời cho phép sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu không phải nộp thuế giá trị gia tăng để giúp các doanh nghiệp tận dụng nguồn lực, tập trung đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu...”, ông Giang đề xuất.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, cùng với dệt may, nhiều ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực khác như nông-thủy sản, giày dép và đồ gỗ cũng sẽ đạt mức tăng trưởng rất cao vào 2 quý cuối năm, đặc biệt là trong quý IV.

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho biết, các ngành này được dự báo tích cực là bởi đây là mùa cao điểm nhất trong năm để hoàn tất các đơn hàng, từ đó gia tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhu cầu tiêu thụ của các thị trường cả trong và ngoài nước đều tăng cao hơn rất nhiều trong thời điểm cuối năm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và tăng đơn hàng xuất khẩu.

Chế biến, chế tạo cũng lạc quan với triển vọng cuối năm

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vừa được Tổng cục Thống kê công bố cũng là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự hứng khởi và niềm tin về triển vọng sáng sủa trong những tháng cuối năm.

Cụ thể, có 52,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý IV sẽ tốt lên so với quý III; 36,4% cho rằng sẽ ổn định và 11% dự báo khó khăn hơn (trong khi các con số dự báo của quý III so với quý II lần lượt là 41,5% tốt hơn và 40,6% ổn định).

Trong đó, về khối lượng sản xuất, có 54,2% doanh nghiệp dự báo quý IV sẽ tăng lên so với quý III, 35,9% dự báo ổn định và 9,9% cho rằng sẽ khó khăn hơn (con số dự báo của quý III so với quý II là 44,4% tốt hơn).

Về đơn hàng, xu hướng quý IV sẽ khả quan hơn so với quý III với 48,9% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng tăng lên, 40,7% dự kiến ổn định và 10,4% dự kiến giảm (con số dự báo đơn hàng của quý III so với quý II là 38,1% cao hơn và 44,2% ổn định).

Tương tự, có 32% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu quý III cao hơn so với quý II và 51,8% đánh giá ổn định. Về xu hướng quý IV so với quý III, có 39,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu, 49,7% dự kiến ổn định và 10,6% dự kiến giảm.

Đánh giá tích cực của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh cuối năm còn thể hiện ở tỷ lệ 72% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất-kinh doanh sẽ ổn định và không tăng so với quý III, 77,3% dự báo giá bán sản phẩm được giữ ổn định trong quý IV và 33,5% cho biết lượng hàng tồn kho sẽ giảm.

“Những dự báo này thể hiện niềm tin của doanh nghiệp vào quyết tâm cắt giảm chi phí kinh doanh của Chính phủ, cũng như xu hướng tích cực trong hoạt động kinh doanh những tháng cuối năm”, đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến chia sẻ.

Tin bài liên quan