Ảnh Internet

Ảnh Internet

Doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh đủ không gian cho các kế hoạch phát triển

Mối quan tâm của giới kinh doanh lúc này vẫn là môi trường kinh doanh có đủ không gian cho các kế hoạch kinh doanh và lớn lên không, chứ không hẳn là có đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 hay không.

Rủi ro bất chợt

Cuối cùng, 3 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có thể làm thủ tục thông quan cho 40 container sau gần 3 tuần bị ách lại cảng, tính từ ngày 26/9/2018.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có công văn gửi chi cục thú ý các vùng đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc kiểm dịch nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt được đóng container tại các cảng trung chuyển nước ngoài. 

Như vậy, kiến nghị của doanh nghiệp đã được giải quyết khá nhanh, theo hướng tích cực, cho dù một số tiền không hề nhỏ đã kịp ra đi. Chỉ riêng 3 doanh nghiệp hội viên VASEP đã chi gần 600 triệu đồng chi phí lưu container, kho bãi, chưa kể rủi ro do hàng hóa bị hư hỏng và phạt hợp đồng do chậm giao hàng… 

Nhưng theo ông Nam, lo ngại của doanh nghiệp không hoàn toàn nằm ở các tổn phí tính được bằng các con số.

“Điều vô lý là cơ quan quản lý đòi doanh nghiệp nhập khẩu cá cung cấp chứng thư kiểm dịch, loại giấy mà thông lệ quốc tế chưa bao giờ có. Không những thế, đòi hỏi này lại xuất phát từ Công văn 2233/TY-TTr,PC của Cục Thú y đề nghị các chi cục thú y vùng phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu đánh giá thực tế, phân tích thuận lợi, khó khăn, đề xuất giải pháp phù hợp để nguyên liệu thủy sản từ tàu đánh bắt nước ngoài cập cảng trung chuyển, sang container nhập khẩu vào Việt Nam… Nghĩa là không phải một văn phản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hay bổ sung một thủ tục hành chính”, ông Nam giải thích rõ.

Thực tế, không phải tàu đánh bắt nào cũng có điều kiện đưa tàu trực tiếp vào các cảng để dỡ hàng, mà đa phần cập tại cảng của một quốc gia trung gian trong hành trình đánh bắt để đưa nguyên liệu vào các container chuyên dụng, rồi bán lại cho thị trường nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Do các lô hàng này chỉ chuyển tải trung gian qua cảng, nên cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia có cảng trung gian không thể cấp Giấy Chứng nhận kiểm dịch cho các lô hàng này. Trước thời điểm ngày 26/9/2018, các lô hàng này vẫn được thông quan bình thường ở các cảng của Việt Nam mà không cần giấy chứng nhận kiểm dịch.

Chính sự xuất hiện “không hiểu vì sao” của yêu cầu cung cấp chứng thư kiểm dịch kiểu như trên khiến mối lo về những rủi ro bất chợt do phát sinh thủ tục hành chính mới luôn tồn tại trong các doanh nghiệp. 

Tâm lý này đang cản trở các kế hoạch kinh doanh dài hạn, các kế hoạch lớn lên của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Những khoảng doãng cần thu hẹp

Không thể phủ nhận, khoảng doãng giữa môi trường kinh doanh của Việt Nam và các nước đứng đầu ASEAN đang thu hẹp lại khá nhanh trong 2 năm 2016-2018 so với giai đoạn 2011-2015.

Thậm chí, các cải thiện liên tục trong khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, thủ tục nộp thuế, bảo hiểm xã hội… đang được kỳ vọng tạo nên bứt phát mới cho Việt Nam trên Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business) năm 2018 mà Ngân hàng Thế giới sẽ công bố vào ngày 30/10 tới đây.

Nền kinh tế đã hưởng lợi ngay từ các nỗ lực này. Đầu tư gia tăng nhanh ở khu vực ngoài nhà nước. Năm 2018, tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân năm 2018 chiếm 42,4% trong tổng đầu tư toàn xã hội, cao hơn năm 2017 (40,6%), năm 2016 (38,9%) và bình quân giai đoạn 2011-2015 (38,3%).

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018 vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tuần trước đã ghi nhận 2 nét nổi bật liên quan đến đầu tư của khu vực này. 

Thứ nhất, một số doanh nghiệp tư nhân lớn tích cực hơn với các hoạt động đầu tư ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ quan trọng (như ô tô, hàng không…). 

Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam dường như khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ hội trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và chủ động đầu tư cho sản xuất – xuất khẩu… CIEM coi đây là những hành trang quan trọng mà nền kinh tế có được để bước chắc hơn vào giai đoạn 2019-2020.

Nhưng, đặt những việc đã làm được này trong mục tiêu chung của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, các giải pháp phát triển doanh nghiệp không chỉ là những vấn đề liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp nữa, mà là những yếu tố… xa hơn.

Thực tế, những cải thiện môi trường kinh doanh được nhìn thấy phần lớn ở điều kiện gia nhập thị trường. Trong khi đó, hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn yếu thế trong quá trình phân bổ nguồn lực vật chất so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. 

Các chuyên gia CIEM cho rằng, những bất cập thể chế về đất đai, quyền tài sản bao gồm giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản thế chấp, thủ tục phá sản, cách can thiệp hành chính để phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều... vẫn là những trở ngại lớn cản trở lực lượng sản xuất phát triển. 

Đặc biệt, tư duy trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa thống nhất, không đồng đều giữa nhiều bộ, ngành địa phương, khiến tỷ lệ cắt giảm dù khá cao, nhưng chỉ tập trung vào một số ngành.

“Các doanh nghiệp cần tự do, an toàn để kinh doanh, chứ không đơn giản chỉ là thuận lợi nữa. Nếu vế này không xử lý được, khó có dư địa cho doanh nghiệp lớn lên, khó có một lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh dù các doanh nghiệp tư nhân thời gian qua đã phát triển rất mạnh. Đây là điều tôi trăn trở sau nhiều năm theo dõi khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam”, ông Cung nhấn mạnh.

Tin bài liên quan