Thưa Bộ trưởng, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế dù đã có sự cải thiện, song vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả kỳ vọng, Bộ trưởng đánh giá thế nào về thực trạng này?
Chất lượng tăng trưởng của chúng ta còn nhiều vấn đề. Năng suất lao động tăng rất chậm, vì vậy, nền kinh tế khó có thể tăng trưởng nhanh và bền vững được. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của cả ba cấp độ, từ sản phẩm, doanh nghiệp đến quốc gia đều thấp.
Dù Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, số doanh nghiệp mới thành lập tăng hơn 100.000 doanh nghiệp/năm, nhưng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động rất lớn. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn rất khó khăn, hiệu quả đóng thuế cho Nhà nước còn thấp.
Tại sao với nền kinh tế năng động, rất nhiều cải cách về thể chế, môi trường, hội nhập, bao nhiêu cơ hội mở ra mà doanh nghiệp kinh doanh vẫn rất khó khăn? Yếu tố nào làm nên cản trở đối với năng suất lao động? Có phải do yếu tố về khả năng công nghệ không, thưa Bộ trưởng?
Tôi cho rằng, nguyên nhân cốt lõi vẫn là do nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng của Việt Nam thấp. Không nắm giữ, tạo ra, làm chủ công nghệ nên doanh nghiệp thành lập ra làm cái gì vẫn là vấn đề. Nhiều doanh nghiệp ở địa phương được lập ra loanh quanh vẫn chỉ làm dịch vụ, bán hàng, mở quán ăn. Chỉ tập trung vào đó, chứ khu vực sản xuất thì có bao nhiêu doanh nghiệp tham gia? Nếu không có công nghệ thì doanh nghiệp làm cái gì, bán cho ai? Không có công nghệ, năng suất không thể nâng cao được.
Vậy, theo Bộ trưởng, đâu là chìa khóa cho việc nâng cao chất lượng nền kinh tế để đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong dài hạn?
Muốn tăng năng suất lao động, trước hết, phải dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tôi cho đây là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.
Chúng ta cần tập trung cho nâng cao năng lực nghiên cứu cả khoa học cơ bản lẫn khoa học ứng dụng cho đến tạo ra hệ sinh thái để các doanh nghiệp công nghệ có thể làm ra các sản phẩm công nghệ mới, mô hình mới để áp dụng cho cuộc sống, dần dần làm chủ công nghệ mới, từ đó chúng ta mới nâng cao được năng suất và chất lượng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng. Lúc đó, chúng ta mới đảm bảo duy trì đà tăng trưởng cao hiện nay trong dài hạn và đi liền với phát triển bền vững.
Vấn đề thứ hai là phát triển con người. Việt Nam sở hữu nguồn lực rất tốt, nhưng chưa tận dụng hết được các nguồn nhân lực này, trong khi chúng ta bắt đầu chuyển dần sang giai đoạn già hóa dân số.
Do đó, cần tập trung đẩy mạnh đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để có thể tranh thủ tận dụng thời gian còn lại của giai đoạn dân số vàng. Nếu không, chuyển sang giai đoạn mới, chúng ta phải đối mặt với thách thức lớn mà nhiều nước đang phải giải quyết.
Phát triển mạnh khoa học công nghệ là xu hướng chung của toàn thế giới, xin Bộ trưởng cho biết Việt Nam có thể nắm bắt sự phát triển chung này như thế nào để có được lợi ích lớn hơn?
Chúng ta cần tiếp cận theo nhiều góc độ. Có công nghệ, ta cần tiếp cận để ứng dụng được. Ðến giai đoạn tiếp theo, cần nghiên cứu tự tạo ra công nghệ mới do chúng ta nắm giữ, do ta làm chủ thì mới chủ động trong việc hoạch định tương lai.
Việt Nam hiện có nguồn nhân lực rất tốt, có thị trường lớn, là nơi doanh nghiệp công nghệ phát triển rất mạnh mẽ, có được môi trường đầu tư rất tốt, cộng đồng đầu tư quốc tế rất quan tâm, với chủ trương của Ðảng, Chính phủ đang tiến hành. Nếu chúng ta có quyết tâm, chúng ta có thể trở thành trung tâm về đổi mới và sáng tạo.
Tuy nhiên, trước mắt, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, cần rà soát lại toàn bộ thể chế ban hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong bối cảnh mới.