Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước).

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước).

Doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động vì thay đổi công nghệ... hiện đại hơn!

Một doanh nghiệp chế biến mủ cao su ở tỉnh Bình Phước bị phạt và buộc đóng cửa dây chuyền sản xuất 3 tháng chỉ vì “tự thay đổi” công nghệ xử lý chất thải, dù dây chuyền này tiên tiến, hiện đại hơn. Bao giờ thì doanh nghiệp bớt chịu khổ vì những quyết định tùy tiện đó?

Đó chính là câu hỏi mà đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đặt ra khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội mới đây.

Câu chuyện mà ông Tuấn Anh kể đó là một doanh nghiệp chế biến mủ cao su ở tỉnh Bình Phước đã bị phạt và buộc đóng cửa dây chuyền sản xuất 3 tháng chỉ vì một lý do là “tự thay đổi” công nghệ xử lý chất thải không đúng quy định.

Điều đáng nói là, dây chuyền xử lý chất thải này mặc dù hiện đại hơn nhưng theo đơn vị thanh tra là “không đúng quy định”. Sau đó, chính đơn vị thanh tra này ra văn bản hủy bỏ quyết định đóng cửa dây chuyền sản xuất đó. Nhưng chuyện thì đã rồi, và doanh nghiệp thì chịu thiệt hại vì quyết định tùy tiện đó.

“Một số doanh nghiệp làm ăn chân chính quan tâm đến việc đầu tư bảo vệ môi trường than phiền rằng họ thường xuyên tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra. Cũng đúng thôi, bài học nhãn tiền Formosa khiến các ngành, các cấp, các địa phương phải đồng bộ vào cuộc để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên sự chồng chéo, trùng lặp đã gây nên tình trạng phiền hà, sách nhiễu khiến cho doanh nghiệp khó có thể tập trung cho hoạt động kinh doanh”, ông Tuấn Anh nói.

Một câu chuyện khác cũng được ông Tuấn Anh kể. Đó là giám đốc một doanh nghiệp - nguyên là đại biểu Quốc hội khóa trước - cũng than phiền về việc thường xuyên bị gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh, vì phải tiếp các đoàn kiểm tra liên quan đến môi trường, đến vệ sinh an toàn thực phẩm, bị kéo dài thời gian xin giấy phép...

“Chỉ cần vấp phải sự tắc trách của một số người trong quá trình thực hành nghĩa vụ trên cũng làm cho doanh nghiệp khốn đốn, lao đao”, ông Tuấn Anh chia sẻ nỗi khổ của doanh nghiệp và cho biết, điều này cũng đã thể hiện gián tiếp trong báo cáo của Chính phủ khi Việt Nam đứng thứ 82/189 quốc gia được xếp hạng về môi trường kinh doanh dù năm 2016 có tăng 9 bậc.

Cũng theo đại biểu Tuấn Anh, thì nhằm khắc phục hạn chế tồn tại trên, sau khi gặp mặt với các doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 20 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. “Hy vọng sẽ tạo một làn gió mới thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh lành mạnh”, ông Tuấn Anh nói.

Cũng liên quan đến nỗi khổ của các doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đã chia sẻ câu chuyện rằng, năm 2016, Bến Tre chịu thiệt hại nặng nề của biến đối khí hậu, sản lượng dừa sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp chế biến dừa phải ngừng hoạt động.

Doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất, duy trì công việc cho công nhân, phải nhập dừa từ Indonesia. Vấn đề nằm ở chỗ, trái dừa là loại nông sản tươi sống, không thể dự trữ được và tự nảy mầm cho dù có lột vỏ. Nhưng khi nhập về, thấy dừa nảy mầm, cơ quan quản lý nhà nước lại cho rằng, đây là cây giống, mà đã là cây giống thì quy trình nhập khẩu rất phức tạp, rất nhiêu khê và tốn nhiều thời gian.

“Thế là doanh nghiệp thà rằng để cho công nhân mất việc làm, thà rằng để bồi thường hợp đồng chứ không tiếp tục nhập giống nữa. Đây là những rào cản trong thủ tục hành chính”, bà Lệ Thủy nói.

Cũng chính vì những rào cản này, bà Lệ Thủy đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng đạt mục tiêu triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

“Chúng tôi cho rằng nếu thực sự muốn phát triển doanh nghiệp thì Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn, cụ thể hơn, rà soát lại các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35. Chỉ chọn lọc các giải pháp kịp thời thực tiễn để triển khai ngay trong năm 2017 như những giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng như đã nêu trong Nghị quyết 35. Không nên ghi chung chung như trong báo cáo và giải pháp của Chính phủ”, bà Lệ Thủy nói.

Tin bài liên quan