Điện, than kêu bế tắc về vốn

Điện, than kêu bế tắc về vốn

Với lãi suất cao từ 19-21% như hiện nay, các Tập đoàn năng lượng của Việt Nam đều đồng loạt kêu bế tắc về vốn, đặc biệt là ngành điện đứng trước nguy cơ bị ngân hàng quay lưng vì tai tiếng nợ nần.

Cuối tuần qua, Hiệp hội năng lượng Việt Nam mở hội thảo bàn về các giải pháp chung đẩy nhanh các dự án năng lượng không khác gì "gãi đúng chỗ ngứa" của các Tập đoàn khi mà vốn được tất thảy các doanh nghiệp khẳng định là nguyên nhân số 1.

 

Toát mồ hôi nếu phải lo 30% vốn mở mỏ than

 

Đại diện Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) lên tiếng đầu tiên câu chuyện này. Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn giãi bày: "Tới đây, muốn mở một mỏ than khai thác sâu, chúng tôi cũng không biết làm thế nào để có đủ định mức 30% vốn đầu tư theo yêu cầu của Luật Khoáng sản, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới."

 

Ông Hùng nhẩm tính: "Suất đầu tư cho một dự án mỏ than mới đã tăng rất cao, xấp xỉ 200-240 USD/tấn, tổng vốn một dự án cần 400 triệu USD, tức 8.000 tỷ đồng. Với quy định vốn chủ sở hữu dự án bằng 30% vốn đầu tư, đây sẽ là khoản vốn rất lớn mà không chỉ bản thân TKV, hầu hết các chủ đầu tư sẽ cực kỳ khó khăn."

 

 Điện, than kêu bế tắc về vốn ảnh 1

Vốn là nguyên nhân số 1 cho sự chậm trễ của các dự án năng lượng.

 

Giai đoạn tới, Việt Nam phát triển mạnh về nhiệt điện than. Chỉ tính riêng 13 dự án nhiệt điện "cũ" của Quy hoạch điện 6 mà EVN đã phải trả lại Chính phủ hồi năm 2008, nếu đúng tiến độ, sẽ cần tới 40 triệu tấn than vào năm 2015. Theo kế hoạch, các dự án này sẽ đều dùng than nhập. Tuy nhiên, từ năm 2015, TKV chỉ có thể nhập được khoảng 6 triệu tấn. TKV sẽ phải xoay xở làm sao để gia tăng sản lượng khai thác than trong nước. Song, với địa chất phức tạp, đầu tư mỏ than mới đòi hỏi khai thác sâu, vốn liếng cao, Tập đoàn này lại vướng chuyện vốn.

 

Cũng may cho ngành than và buồn cho ngành điện, chỉ có 1 trong số 13 dự án điện trên sẽ đi vào hoạt động đúng năm 2015, còn lại, đều chậm tiến độ và sẽ phải vận hành từ năm 2016-2024. Đứng trước nguy cơ làm than không kịp cho điện chỉ vì vốn, ông Hùng bức xúc: "Các dự án điện của chúng ta mới chỉ nhìn cái ngọn mà chưa quan tâm đến cái gốc. Cái gốc ở đây là lấy cái gì để chạy ra điện?"

 

Sông Đà nhắc khéo chuyện nợ của EVN

 

Cũng là nỗi khổ thiếu vốn song với các đơn vị đóng hai vai, vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà thầu thi công như Tập đoàn Sông Đà, vốn còn bị "ách tắc" kiểu  do nợ nần dây chuyền.

 

Ông Lê Văn Khương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn công nghiệp Xây dựng Việt Nam bày tỏ:"Khó khăn của chúng tôi là gấp bội, làm chủ đầu tư thì thiếu vốn vay, còn làm nhà thầu thì bị chậm trả tiền."

 

Tranh thủ có sự có mặt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Khương dẫn chứng: "Chúng tôi làm thủy điện Lai Châu (EVN làm chủ đầu tư) vừa rồi, giá trị khối lượng là 1.200 tỷ đồng những mãi vừa rồi, EVN mới tạm ứng được có  200 tỷ đồng. Với vai trò của tổng thầu, khi khởi công ở thủy điện Lai Châu, chúng tôi không có đồng xu nào. Nhưng để làm được việc khởi công, rất nhiều hạng mục phụ trợ đã phải triển khai rồi. Vốn các công trình khác cũng tương tự."

 

 Điện, than kêu bế tắc về vốn ảnh 2

 

'Năm nay, lãi suất trên 20%, không doanh nghiệp nào chịu nổi. Dự án đang làm dở là phải làm mà chúng tôi cũng không dám vay ngân hàng nữa. Nếu EVN không tạm ứng, không trả tiền thì chúng tôi sẽ càng khó. Lời lãi của dây xây lắp nếu được vài % là mừng rú rồi, lâu lâu không nhận được tiền thì âm, lỗ ngay", ông Khương vừa than thở, vừa "nhắc khéo" đối tác.

 

EVN khốn khổ vì trượt giá và tai tiếng nợ nần

 

Bị đối tác thi công thủy điện Lai Châu "nhắc khéo", ông Lưu Thế Biểu, đại diện Tập đoàn EVN phân bua: "Tôi rất chia sẻ với ông Khương. Trên thực tế, tôi báo cáo với Tập đoàn là nên thu xếp vốn rồi hãy làm thủy điên Lai Châu. Tuy nhiên, đến nay, EVN mới ký vay được 3.600 tỷ đồng dùng cho vốn di dân tái định cư và vốn cho chế tạo thủy công trong nước, nhưng những khoản đó cũng chưa cần ngay. Cái gấp bây giờ là cần vốn cho xây lắp thi công để trả cho tổng thầu thì EVN chưa ký được."

 

Bản thân thiếu vốn đã đành, EVN cũng đang khốn khổ vì những cú sốc trượt giá, tăng lãi suất. Theo ông Biểu cho biết, ở dự án điện Đồng Nai 4, vốn đầu tư ban đầu là 4.500 tỷ đồng, đã ký được với ngân hàng thương mại. Nhưng rồi do trượt giá, do chính sách di dân tái định cư..., tổng vốn dự án nay bị tăng lên 1.500 tỷ đồng. Mà hiện nay, lãi suất 21%, EVN chưa biết làm sao để lo được phần vốn bị đội lên này.

 

Ông Biểu nói: "Vừa rồi, EVN cũng phải cố lắm mới ký được 200 tỷ đồng trả cho tổng thầu thủy điện Lai Châu".

 

Theo đại diện này, Tập đoàn EVN cũng đang nỗ lực tìm hướng ra cho câu chuyện vốn, nhưng làm việc này là không dễ. EVN đã trình Chính phủ xin phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD, Chính phủ lại đưa về cho Bộ Tài chính xử lý. Đến nay, Bộ vẫn chưa có hướng dẫn nào. Trong nước, một số dự án đã ký triển khai rồi nhưng ngân hàng không giải ngân được, phải chờ thủ tục trình duyệt qua 5-6 Bộ. Bên cạnh đó, mang tiếng là nợ nần nhiều tập đoàn trong nước nên EVN đi vay nước ngoài cũng khó khăn hơn.

 

Trong bối cảnh lạm phát, lãi suất cao, việc thu xếp vốn đang trở thành thách đố các chủ đầu tư năng lượng Việt Nam . Sức hấp dẫn của lĩnh vực điện quá thấp do giá chưa thị trường đã khiến cho, lĩnh vực này bị "ế" về thu hút đầu tư. Trong số 13 dự án mà EVN phải từ bỏ, sau khi Chính phủ phân bổ về các Tập đoàn, mời các doanh nghiệp FDI vào làm thì vẫn còn tới 2 dự án chưa ai nhận.

 

Trước tình trạng này, hầu hết các đại diện Tập đoàn năng lượng đều đề xuất Chính phủ sớm có cơ chế cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho từng ngành như ưu tiên nguồn ODA cho các dự án điện, có cơ chế hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh khi vay vốn nước ngoài, đặc biệt các đơn vị đều kiến nghị đấy nhanh cơ chế giá than, giá điện theo thị trường.