Bộ Công thương đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành như một giải pháp nhằm đảm bảo cấp điện. Ảnh: Đức Thanh

Bộ Công thương đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành như một giải pháp nhằm đảm bảo cấp điện. Ảnh: Đức Thanh

Điện gió gánh trọng trách lo điện

Việc nhiều nhà máy nhiệt điện than có quy mô lớn không thể triển khai xây dựng hoặc chậm tiến độ đang được kỳ vọng bù đắp bằng các dự án điện gió.

Đón sóng điện gió mới

Đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực như đề nghị của Bộ Công thương. Lý do khiến Bộ Công thương có đề nghị này là nhiều dự án nguồn điện đã bị chậm.

Cụ thể, khi Bộ Công thương tiến hành cập nhật tiến độ nguồn điện theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, đã thấy phần lớn các nguồn nhiệt điện chậm tiến độ 1-2 năm, đặc biệt là các nguồn nhiệt điện than miền Nam dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2018-2021 như Long Phú I, Sông Hậu I, Sông Hậu II, Long Phú III, Nhiệt điện Ô Môn III, IV và các nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh có nguy cơ trễ tiến độ so với quy hoạch do chưa thể xác định chính xác thời điểm khí từ Lô B và mỏ Cá Voi Xanh cập bờ.

Ngoài ra, Việt Nam đã quyết định dừng đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2030. Các tính toán cân bằng cung cầu cho thấy, có khả năng xảy ra thiếu điện cho hệ thống điện miền Nam, cần thiết phải tính toán bổ sung các nguồn điện mới để đảm bảo cung ứng điện năng toàn quốc.

Cũng với quan điểm trên, Bộ Công thương đã đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành như một giải pháp nhằm đảm bảo cấp điện. Trước khi có đề xuất này, quy hoạch điện cũng đã được bổ sung khoảng 4.800 MW, với dự kiến vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam bộ và Nam Trung bộ.

Như vậy, chỉ tính riêng điện gió, con số được bổ sung và đề nghị bổ sung đã lên tới 11.000 MW, chiếm khoảng 20% tổng nguồn điện của cả nước ở thời điểm này.

Có dễ làm?

Vừa ký hợp đồng trong đầu tháng 6/2020 để mua tua-bin cho dự án điện gió đã được khởi công từ đầu năm 2020 với nhà cung cấp mà trước đó không mấy khi được nhắc tới, chủ đầu tư của một dự án cho hay, làm điện gió giờ khá vất vả.

Việc giao nhiệm vụ cấp điện đầy đủ, ổn định cho EVN là sai. Nhiệm vụ “đủ điện” phải do Bộ Công thương chịu trách nhiệm, bởi đây là chuyện của cả ngành điện, chứ không phải của EVN - chỉ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, dù đang đóng vai trò lớn. Lãnh đạo EVN cần phải dũng cảm nói rõ mình không có đủ chức năng và thẩm quyền để làm được điều này. Bản thân EVN chỉ sản xuất được 40% sản lượng điện cấp cho nền kinh tế, còn lại phải đi mua. Mà mua thì nguyên tắc là phải có lãi mới mua được, chưa kể không có các nhà đầu tư khác làm ra điện, thì EVN cũng không biết mua ở đâu.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM

Do chạy tiến độ để dự án vào trước ngày 1/11/2021, kịp hưởng giá mua điện từ 8,5 - 9,8 UScent/kWh, nên các doanh nghiệp đầu tư điện gió đã phải chấp nhận thêm các chi phí phát sinh. Đơn cử, giá mua tua-bin hiện đắt hơn 40% so với khi làm dự án hồi giữa năm 2019. Các gói thầu của dự án hay chi phí thuê cẩu cũng bị đẩy lên trong giai đoạn này, chưa kể các khó khăn chưa tính toán hết từ tác động của Covid-19.

Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư điện gió đã đề nghị được giãn tiến độ áp dụng mức giá điện gió 8.5-9,8 UScent/kWh thêm 6 tháng đến 1 năm so với thời điểm được quy định là trước ngày 1/11/2021.

Dẫu vậy, không thể bỏ qua thực tế là, có những dự án được xin bổ sung quy hoạch chỉ để chờ bán lại kiếm lời.

Theo thống kê của Bộ Công thương vào tháng 3/2020, trong 4.800 MW đã được bổ sung quy hoạch, mới chỉ có 9 dự án điện gió đã đi vào vận hành, với quy mô công suất 350 MW. Bởi vậy, nếu được tiếp tục bổ sung các dự án điện gió mới với quy mô 7.000 MW như đề nghị của Bộ Công thương, thị trường điện gió tại Việt Nam chắc chắn sẽ trở nên “nóng nhất toàn cầu”.

Điều đáng nói là, ngay trong đề xuất bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch, Bộ Công thương cũng đề xuất hàng loạt dự án truyền tải điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện để đồng bộ giải tỏa công suất điện gió. Tuy nhiên, với thực tế các dự án lưới điện truyền tải thường có thời gian triển khai 2-3 năm và không thể nhanh về thủ tục hành chính như các dự án điện gió của tư nhân, thì câu chuyện dự án điện gió xong mà không có lưới truyền tải có nguy cơ tái diễn.

Chia sẻ thực tế trên, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, phải tiến hành đánh giá thực trạng, cân nhắc tổng thể các nguồn cấp và yếu tố liên quan, chứ không phải lệch về một nguồn nào đó. Cũng không thể làm theo cách, nhà đầu tư này, tỉnh này xin, cơ quan chức năng chấp thuận bổ sung quy hoạch; tỉnh khác, nhà đầu tư khác cũng xin, lại bổ sung tiếp. Như thế, quy hoạch không còn là quy hoạch nữa.

Cùng với việc đồng ý chủ trương bổ sung dự án điện gió vào quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, chặt chẽ, khoa học, đồng bộ nguồn và lưới điện, hiệu quả kinh tế chung, kiên quyết chống tiêu cực, không để xảy ra tình trạng “xin-cho” các dự án.

Tin bài liên quan