Diễn đàn Quốc hội “nóng” chuyện chặn đình đốn sản xuất

Diễn đàn Quốc hội “nóng” chuyện chặn đình đốn sản xuất

(ĐTCK-online) Một trong những nội dung được chú ý tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 30/6 là làm gì để tháo gỡ bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm tình trạng đình đốn tại nhiều DN.

Trong đó có những kiến nghị liên quan đến chính sách tiền tệ, nhằm hạ lãi suất, tạo thuận lợi để DN hấp thụ được 13% tăng trưởng tín dụng còn “room” của 6 tháng cuối năm.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, sản xuất - kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và do lãi vay quá cao. Qua giám sát của Ủy ban, đa số DN cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước, cả về việc tiếp cận vốn cũng như chi phí vốn tăng quá cao, một số DN hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Lãi suất tăng cao, chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh cũng làm cho nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, nhiều dự án bị đình hoãn và có nguy cơ đình hoãn. Hoạt động sản xuất - kinh doanh nếu bị đình trệ và kéo dài dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

Số vốn đăng ký của các DN đăng ký mới giảm 5,4% so với cùng kỳ. Báo cáo của Hiệp hội DN tỉnh Bắc Giang cho thấy, từ đầu năm 2011 đến nay có 43 DN xin ngừng hoạt động, tăng mạnh so với năm 2010 (30 DN). Tại tỉnh Bắc Ninh, 6 tháng đầu năm đã giải thể và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 44 DN. Tại tỉnh Hưng Yên, khảo sát của Hiệp hội DN cho thấy, chỉ có 30% DN tiếp cận được vốn và có thể tạm đáp ứng nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt, vừa phải bảo đảm đúng hướng, đúng lúc, đúng liều lượng, nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, cần chú ý đến các giải pháp quản lý thị trường, giám sát, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng để ổn định và từng bước giảm mặt bằng lãi suất nhằm giảm bớt khó khăn cho DN.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, dư nợ tín dụng nên duy trì ở mức hợp lý, ổn định, thắt chặt cho vay, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng bình quân chủ nghĩa. Có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc giảm đột ngột mức tăng trưởng tín dụng từ 31% năm 2010 xuống dưới 20% năm 2011 sẽ đạt được những kết quả nhất định trong mục tiêu chống lạm phát, nhưng cũng sẽ gây ra những khó khăn bất thường cho nền kinh tế, nên chăng Chính phủ giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23% như dự kiến đầu năm.

“Mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu bộc lộ, theo đó thị trường bất động sản, TTCK sụt giảm, lạm phát và lãi suất tăng cao làm cho chi phí đầu vào bị đẩy lên, tình trạng thiếu vốn sản xuất - kinh doanh và thu hút đầu tư phát triển giảm đã tác động bất lợi đến sản xuất - kinh doanh trong nước, từ đó ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội”, ông Hiển nhận xét.

Tại cuộc họp, đại diện Chính phủ cho biết, sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội phương án miễn, giảm thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và vừa. Ưu tiên tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi về vay vốn cho nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, những ngành sản xuất đang có thị trường thuận lợi. Tiếp tục hạn chế cho vay đối với khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.