Nhà máy Triom (Italy) tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) chuyên sản xuất đèn chiếu sáng ô tô và xe máy. Ảnh: Đức Thanh.

Nhà máy Triom (Italy) tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) chuyên sản xuất đèn chiếu sáng ô tô và xe máy. Ảnh: Đức Thanh.

Diễn biến mới của dòng vốn đầu tư nước ngoài

Dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn ở mức cao, song đã bắt đầu có những lo ngại về sự tăng tăng trưởng chậm lại của dòng vốn này và điều đó có thể ảnh hưởng tới việc giải ngân vốn FDI những năm sau.

Lo mô hình truyền thống bị phá vỡ

Số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 là rất tích cực, với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, mức tăng này có được phần lớn là do phần góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Nửa đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ ra tới 4,1 tỷ USD để góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới là 11,8 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ, trong khi vốn tăng thêm là 4,43 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ. Ngược lại với xu hướng giảm của vốn đăng ký, thì vốn giải ngân lại đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Đó là lý do khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, mặc dù vẫn đánh giá cao xu hướng tích cực của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, song đồng thời cũng bày tỏ lo ngại trước việc đầu tư nước ngoài kể từ đầu năm đã không giữ được mô hình truyền thống nữa, khi tốc độ tăng vốn giải ngân cao hơn tốc độ tăng vốn đăng ký.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do lượng vốn đăng ký các năm trước rất cao và hiện là thời điểm để nhà đầu tư thực hiện theo cam kết. Đồng thời, vốn đăng ký năm 2017 rất cao, nên khi so sánh, tốc độ tăng vốn đăng ký năm nay có xu hướng giảm cũng là điều dễ hiểu.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 11,83 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2016; trong khi vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2016.

“Việc giảm như vậy sẽ ảnh hưởng đến tốc độ thực hiện vốn FDI ở các năm sau”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Nếu diễn biến tiếp tục xu hướng như vậy thì sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Bởi lẽ, nhiều năm gần đây, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, số vốn FDI giải ngân mới là điều quan trọng nhất.

Khi vốn giải ngân tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng tới việc tăng năng lực mới cho nền kinh tế, qua đó tác động tới tăng trưởng GDP, nhất là trong bối cảnh khu vực FDI đang ngày càng đóng vai trò động lực quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Thách thức từ chiến tranh thương mại

Một câu hỏi lớn được đặt ra trong thời gian gần đây là kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc? Hẳn nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở thương mại, mà còn là dòng đầu tư từ nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Câu trả lời đã được chuyên gia kinh tế Adam McCarty thuộc Mekong Economics tại Hà Nội khẳng định rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Trung Quốc đổ tới Việt Nam, chủ yếu để đa dạng hóa đầu tư.

Xu hướng này, theo ông Adam McCarty, là đặc biệt rõ trong công nghiệp chế biến - chế tạo, lĩnh vực mà chi phí ở Việt Nam rẻ hơn rõ rệt so với ở Trung Quốc.   

Cần có sự điều chỉnh về chiến lược thu hút FDI, không chạy theo số lượng, mà tập trung thu hút các Dự án lớn, có chất lượng, có sức lan tỏa lớn, công nghệ tiên tiến...

Tờ South China Morning Post (Trung Quốc), sau khi dẫn lời ông Adam McCarty, thậm chí còn nhấn mạnh, việc Mỹ và Trung Quốc tiến sát bờ vực chiến tranh thương mại đã giúp đẩy mạnh dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Thực ra, xu hướng này là sẵn có, khi nhiều công ty nước ngoài đang có xu hướng chuyển khỏi Trung Quốc tới các nước Đông Nam Á để mở nhà máy, nhằm tiết kiệm chi phí. Cuộc xung đột Mỹ - Trung đã đẩy nhanh hơn quá trình này.

Có chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khi trả lời báo giới đã cho rằng, chiến tranh thương mại cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch sẽ khiến dòng FDI trong khu vực và thế giới né các thị trường đang chịu mức thuế cao và hướng đến các thị trường ít có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp bảo hộ. Xét trên góc nhìn này, xem ra, Việt Nam đang có nhiều lợi thế.

Mặc dù vậy, đứng trên góc độ cơ quan quản lý về đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không khỏi lo lắng về những biến động của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, căng thẳng địa chính trị tiếp tục lan rộng,

Cũng như khi các rủi ro suy giảm tăng trưởng xuất hiện ở các bạn hàng lớn của Việt Nam như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc… Hệ lụy có thể sẽ xảy ra, khi kinh tế toàn cầu bất ổn.

Chưa kể, những thách thức liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, cũng sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút FDI.

“Nhân đà này, kết hợp với việc tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, cần có sự điều chỉnh về chiến lược thu hút FDI, không chạy theo số lượng, mà tập trung thu hút các dự án lớn, có chất lượng, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa lớn, công nghệ tiên tiến...”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.

Tin bài liên quan