Rào cản doanh nghiệp tham gia sâu hơn, bền vững hơn vào lĩnh vực nông nghiệp không chỉ nằm ở tư duy về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, mà còn ở các ngành, lĩnh vực khác, ở nhiều văn bản pháp luật.

Rào cản doanh nghiệp tham gia sâu hơn, bền vững hơn vào lĩnh vực nông nghiệp không chỉ nằm ở tư duy về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, mà còn ở các ngành, lĩnh vực khác, ở nhiều văn bản pháp luật.

Đi đâu cũng nghe thấy nông nghiệp công nghệ cao, sự thực là chỉ có... 64 dự án

Một đất nước có lợi thế về nông nghiệp, có hệ thống chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp chất lượng cao với cơ chế khuyến khích đầu tư cụ thể, nhưng mới có 1% doanh nghiệp tư nhân và khoảng 3% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân đổ vào lĩnh vực này.     

Chẳng lẽ, đồng đất Việt Nam, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam lại kém hấp dẫn giới đầu tư đến vậy?

Câu trả lời chắc chắn là không, vì chính doanh nghiệp đang rất sốt ruột khi thị trường thì rộng mở, sản phẩm đa dạng, năng lực đầu tư có, song họ lại chưa làm được nhiều. Hàng loạt hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp trong vài tháng vừa qua đều khởi nguồn từ chính đề xuất của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Chính phủ cũng rất sốt ruột. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói, doanh nghiệp phải là lực lượng chủ lực, kiến tạo nền sản xuất hàng hóa, phù hợp đặc trưng của nông nghiệp Việt Nam.

Chính phủ cam kết ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn… cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp nào làm nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp trong tương lai.

Nhưng trong 3 năm thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cả nước chỉ thu hút được 64 dự án ở 23, tỉnh, thành phố.

Trong số này, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần nhiều là dự án đăng ký thêm, ít dự án của doanh nghiệp mới. Cũng phải nói thêm, nghị định này từng hấp dẫn doanh nghiệp, bởi các cơ chế hỗ trợ vốn, nhưng bối cảnh ngân sách khó khăn, vốn bố trí cho 64 dự án trên giảm đi nhiều so với cam kết…

Nhưng hiện nhiều doanh nghiệp cho rằng, hỗ trợ vốn thực sự không còn quá quan trọng. Thứ doanh nghiệp cần là nền tảng để đưa đồng vốn của họ sinh lợi ngay trên cánh đồng, thửa ruộng của người nông dân, để các sản phẩm nông lâm, thủy sản thương hiệu Việt đứng vững trên thị trường xuất khẩu.

Khi nhìn nhận về tỷ lệ 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã điểm ra ít nhất 4 nguyên nhân:

Trước tiên là sự lúng túng khi triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất. Thêm vào đó là chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất.

Thứ hai, chính quyền địa phương dễ thay đổi quy hoạch sử dụng đất, gây rủi ro lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp.

Thứ ba, chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả, khiến ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay vốn.

Thứ tư, chính sách, giải pháp về cơ chế, pháp lý hỗ trợ cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp phát triển thị trường buôn bán, sàn giao dịch nông sản chưa rõ ràng.

Như vậy, rào cản doanh nghiệp tham gia sâu hơn, bền vững hơn vào lĩnh vực nông nghiệp không chỉ nằm ở tư duy về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, mà còn ở các ngành, lĩnh vực khác, ở nhiều văn bản pháp luật.

Chính phủ đang yêu cầu sửa Nghị định 210/2013/NĐ-CP mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối soạn thảo. Song một nghị định riêng lẻ không thể đưa ra câu trả lời hoàn chỉnh và đầy đủ nhất. Đã đến lúc cần bàn về việc xây dựng một luật về phát triển doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó có thể tạo ra cơ chế đột phá nhằm thu hút nhiều hơn doanh nghiệp và vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Tin bài liên quan