Đề xuất một số quy định mới về đăng ký biện pháp bảo đảm

Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thời gian vừa qua, một số văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014; các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014, đặc biệt Bộ luật dân sự năm 2015 đã tác động đến những nội dung của Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành về giao dịch bảo đảm cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế dẫn đến vướng mắc khi triển khai công tác đăng ký trên thực tế.

Do đó, việc xây dựng Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm trong bối cảnh hiện tại là cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật liên quan, kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, qua đó tạo lập và hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc ký kết, thực hiện giao dịch bảo đảm, thúc đẩy hoạt động cho vay có bảo đảm của nền kinh tế.

Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu những thông tin về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm.

Dự thảo Nghị định tách bạch rõ 2 trường hợp: trường hợp phải đăng ký và trường hợp đăng ký theo yêu cầu. Cụ thể, các biện pháp bảo đảm phải đăng ký gồm: a- Thế chấp quyền sử dụng đất; b- Thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng; c- Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; d- Thế chấp tàu biển; đ- Các trường hợp khác, nếu luật có quy định.

Các biện pháp bảo đảm được đăng ký khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu, gồm: a- Thế chấp động sản, trừ tàu bay, tàu biển; b- Thế chấp tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; c- Bảo lưu quyền sở hữu; d- Các trường hợp khác. Trong đó bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm mới được quy định tại Điều 331 đến Điều 334 Bộ luật dân sự năm 2015.

Việc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ, hợp đồng cho thuê tài chính và các giao dịch dân sự khác được đăng ký theo quy định của Nghị định này khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.

Về giá trị pháp lý, trên cơ sở quy định tại Điều 297 và Điều 298 Bộ luật dân sự năm 2015, dự thảo Nghị định quy định: Việc đăng ký biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Việc thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng, cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Việc đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký đến thời điểm xoá đăng ký theo đơn của người yêu cầu xoá đăng ký.

Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về thời điểm đăng ký cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 theo hướng: Trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, đăng ký thế chấp tàu biển thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan đăng ký từ chối đăng ký đối với những hồ sơ đăng ký không hợp lệ, dự thảo Nghị định bổ sung căn cứ từ chối áp dụng cho các loại hình tài sản bảo đảm như: Không thuộc thẩm quyền đăng ký; nội dung đăng ký vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký không đúng sự thật hoặc có giấy tờ giả mạo; tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; tài sản bảo đảm đang có tranh chấp và đã có văn bản thụ lý việc giải quyết tranh chấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; người yêu cầu đăng ký không nộp phí đăng ký; kê khai nội dung đăng ký không đúng quy định của pháp luật…

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tin bài liên quan