Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung, Phó Trưởng Ban soạn thảo các Nghị định chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung, Phó Trưởng Ban soạn thảo các Nghị định chủ trì cuộc họp.

Đề xuất bỏ ngưỡng 3 triệu USD với dự án ODA không hoàn lại

Qua tham vấn với các cơ quan liên quan, Ban soạn thảo đề xuất không quy định mức vốn với dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức không hoàn lại và theo đó Thủ tướng Chính phủ sẽ ủy quyền, trao quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chủ tịch UBND các địa phương xem xét phê duyệt dự án.

Thông tin trên được ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra tại cuộc họp Ban soạn thảo các Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư công năm 2019 diễn ra hôm nay (4/11) tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung, Phó trưởng Ban soạn thảo các Nghị định chủ trì cuộc họp.

Trình bày dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, ông Lưu Quang Khánh cho biết, ngày 26/9/2019, Ban soạn thảo đã có văn bản xin ý kiến chính thức của các bộ, ngành và địa phương. Đến nay, đã nhận được ý kiến đóng góp của 19 bộ và cơ quan trung ương, 38 tỉnh, thành phố và nhiều đơn vị thuộc Bộ.

Dự thảo Nghị định thay thế vẫn đang vướng ở Chương 7 về quản lý tài chính do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, ông Lưu Quang Khánh cho hay.

Các hướng dẫn về quản lý tài chính trước đây thường được đưa vào một số thông tư của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thông tư không được quy định các thủ tục hành chính. Ban soạn thảo Nghị định sẽ làm việc với Bộ Tài chính để hoàn thiện Chương 7, sau đó sẽ xin ý kiến chính thức bằng văn bản các bộ ngành, địa phương về chương này, ông Khánh nói thêm.

Theo đại diện Vụ Kinh tế Đối ngoại, một nguyên tắc quan trọng trong xây dựng Nghị định thay thế là giải quyết các vướng mắc, bất hợp lý cho các cơ quan Việt Nam và đối tác phát triển, nhà tài trợ; đề xuất sửa đổi quá trình triển khai Nghị định 16 và Nghị định 132 cho phù hợp với Luật Quản lý nợ công và Luật Đầu tư công.

Đối với việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương thực hiện, phê duyệt văn kiện dự án và hỗ trợ kỹ thuật khi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại, trong Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Quản lý nợ công đều không có nội dung hỗ trợ kỹ thuật, trong khi đây lại là đặc thù của vốn ODA, viện trợ không hoàn lại.

Hiện nay, theo Nghị định 132, các dự án sử dụng ODA không hoàn lại từ 3 triệu USD trở lên thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thực hiện. Tuy nhiên, qua trao đổi với các cơ quan liên quan, nhất là Văn phòng Chính phủ, tại Chương 4 của dự thảo Nghị định, Ban soạn thảo đã thống nhất đề xuất không quy định mức vốn với dự án sử dụng ODA không hoàn lại. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ xem xét, quyết định chủ trương thực hiện một số dự án trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các địa phương sẽ được ủy quyền, trao quyền xem xét phê duyệt dự án ở bất kể quy mô nào.

"Ý kiến đóng góp của các cơ quan mà chúng tôi nhận được đều đồng tình với đề xuất trên", ông Lưu Quang Khánh nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trình bày dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, tinh thần chung của Ban soạn thảo là đảm bảo bám sát nội dung, điều khoản của Luật Đầu tư công năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020). Ngoài kế thừa nội dung phù hợp của các nghị định ban hành trước đây, một điểm rất quan trọng trong dự thảo các Nghị định này là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, bởi các nghị định hướng dẫn thi hành các điều khoản của Luật Đầu tư công năm 2014 có rất nhiều vấn đề, vướng mắc, gây khó khăn cho các bộ ngành địa phương trong tổ chức thực hiện.

“Chúng ta quy định hướng dẫn thực hiện, nhưng phải tạo điều kiện theo hướng không tạo ra các thủ tục không cần thiết”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nêu.

Trên cơ sở ý kiến góp ý thảo luận hôm nay, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện hồ sơ, nếu đảm bảo các thủ tục thì sẽ thống nhất ý kiến gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các cuộc họp để tiếp thu ý kiến và giải trình ý kiến cho dự thảo các Nghị định để đảm bảo đủ điều kiện trình Chính phủ trong tháng 11 theo kế hoạch.

Tin bài liên quan