Để doanh nghiệp nhỏ “vươn vai” thành người khổng lồ

Để doanh nghiệp nhỏ “vươn vai” thành người khổng lồ

(ĐTCK) Có nhiều câu chuyện thú vị về mở rộng tầm vóc của doanh nghiệp nhỏ và vừa được chia sẻ tại Hội thảo về nâng cao kỹ năng lãnh đạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Đổi mới sáng tạo, bài học từ P&G

Năm 1837, P&G ra đời với số vốn ít ỏi. Hai nhà sáng lập khi đó có hai thế mạnh riêng, một người chuyên làm nến và một người chuyên làm xà phòng.

Doanh nghiệp hình thành trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp lâm vào phá sản, hai sáng lập viên của P&G phải tìm hướng đi mới để tồn tại và cạnh tranh với các doanh nghiệp đã có vị trí trên thị trường.

Ông Omar Channawi, Phó Chủ tịch P&G Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, giữa bão tố kinh doanh, các ông chủ P&G thời đó đã tìm cách vượt qua bằng chiến lược và tầm nhìn dài hạn với những sản phẩm có giá trị khác biệt.

Sau thời gian thành công với sản phẩm xà phòng, hai nhà sáng lập của P&G đã mở rộng quy mô doanh nghiệp, sản xuất đa dạng các sản phẩm gồm kem đánh răng, bột giặt, bỉm…, tạo dựng thương hiệu uy tín tại 87 quốc gia.

Hiện doanh số bán hàng của P&G đạt 65,3 tỷ USD, lợi nhuận 10,5 tỷ USD, có 21 thương hiệu trị giá tỷ USD. Có 180 quốc gia đang bán sản phẩm của tập đoàn này, trong đó P&G có mạng lưới hoạt động tại 70 quốc gia.

“Điểm mấu chốt nhất đưa P&G từ một doanh nghiệp nhỏ vươn lên trở thành một tập đoàn đa quốc gia như ngày hôm nay là tinh thần đổi mới sáng tạo, không ngừng học hỏi và thay đổi. P&G đã dành 2 tỷ USD cho công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm”, ông Omar Channawi nói.

Để doanh nghiệp nhỏ “vươn vai” thành người khổng lồ ảnh 1

Từ một doanh nghiệp nhỏ, P&G đã trở thành một tập đoàn toàn cầu nhờ đổi mới sáng tạo 

Lãnh đạo của P&G nhiều lần khẳng định, đổi mới và sáng tạo là công cụ mở đường cho tương lai của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đưa ra các sáng kiến phát triển, các doanh nghiệp sẽ tìm được lối đi và động lực cho chính mình.

Tại Việt Nam, DNNVV đang chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước. Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ phát triển DNNVV và hiện thực hóa cam kết bằng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực kể từ ngày 1/12018. Đồng thời, Chính phủ cũng coi đây là động lực chính để phát triển kinh tế bền vững, tạo ra khu vực kinh tế tư nhân ngày càng năng động.

Ông John Hill, Quyền Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam, hỗ trợ DNNVV là việc làm có ý nghĩa và cần triển khai có hiệu quả.

Vấn đề thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DNNVV cũng là chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017, diễn ra đầu tháng 11 tới tại Đà Nẵng.

Nhìn từ bài học của P&G, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “P&G khởi đầu hoạt động tại một gara ô tô sau vườn để rồi vươn lên thành một tập đoàn đa quốc gia, câu chuyện này nhắc nhở các DNNVV một điều rằng họ hoàn toàn có thể trở thành một doanh nghiệp vĩ đại nếu cố gắng tận dụng mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài để phát huy kinh doanh hiệu quả”.

Sức vươn lên của DNNVV Việt Nam

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã vươn lên trở thành tập đoàn lớn như Phú Thái, Tôn Hoa Sen, Mesa Group, Hòa Bình Corp…

Tại Hội thảo, bà Lưu Thị Tuyết Mai, người sáng lập đồng thời là Tổng giám đốc Mesa Group, 1 trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn, chia sẻ, bà khởi nghiệp kinh doanh chỉ với 1 USD trong túi và quyết tâm thoát nghèo. Sau một thời gian làm việc tại cơ quan Nhà nước, năm 1991, bà thành lập công ty tư nhân riêng phân phối sản phẩm mì ăn liền Miliket và các sản phẩm tiêu dùng. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Để doanh nghiệp nhỏ “vươn vai” thành người khổng lồ ảnh 2

Bằng sự kiên trì và không ngừng học hỏi, bà Mai đã phát triển Mesa từ 3 nhân viên lên quy mô 2.500 nhân viên như hiện nay, quản lý hơn 100 cửa tiệm với doanh thu 4.500 tỷ đồng. Đúc kết lại con đường đã đi, CEO Mesa cho hay, có 3 yếu giúp doanh nghiệp tồn tại và thành công. Đó là có lợi thế cạnh tranh, có năng lực quản lý vượt trội và luôn luôn phải dẫn đầu thị trường.

Là một trong những doanh nghiệp Việt “vươn vai” lớn dậy từ doanh nghiệp nhỏ, Phú Thái hiện có doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng, nhân sự lên tới 6.000 người. Theo chia sẻ của doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn, may mắn của Phú Thái là có cơ hội học hỏi từ nhiều đối tác lớn.

“Đối tác tạo sự cộng hưởng cho doanh nghiệp, nên DNNVV cần đặc biệt chú trọng lựa chọn đối tác để đồng hành với mình”, ông Đoàn nói.

Đưa ra lời khuyên cho các DNNVV trong phát triển, ông Đoàn nhấn mạnh đến 3 chữ H có ý nghĩa đặc biệt. Đó là: Hướng đi, Human (con người) và Hiệu quả.

Theo ông Đoàn, doanh nghiệp lớn thường chọn đường đi to, doanh nghiệp vừa chọn đi vào ngõ, còn doanh nghiệp nhỏ chọn thị trường ngách. Hướng đi rất quan trọng, trong khi hiện nay nhiều DNNVV không có định hướng, không trả lời được 10 năm nữa mình sẽ đi đến đâu và làm được gì.

Bên cạnh đó, DNNVV cần chú trọng đến tính hiệu quả bởi vốn ít, đầu tư phải có lãi ngay, nên đặc biệt lưu tâm đến quản lý bán hàng chặt chẽ. Trong sử dụng nhân sự, DNNVV nên truyền thông nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và đưa ra tương lai của nhân sự tại doanh nghiệp, có cam kết vai trò của nhân sự tại doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng nên học bài học từ P&G, 80% lãnh đạo được cất nhắc từ các vị trí bên dưới lên”, ông Đoàn khuyến nghị.

Tin bài liên quan